Ba mẹ đã bao giờ nghe nói đến kỹ năng sống cho bé chưa? Khi bắt đầu mang trọng trách làm ba làm mẹ, chắc chắn với tình yêu thương vô bờ bến của mình thì phụ huynh nào cũng muốn bảo vệ, nuôi dưỡng và tạo dựng cho con một môi trường sống thật tốt. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lưu ý đó là nếu như càng bao bọc thì khi lớn lên, con sẽ dần mất khả năng tự lập, tự đối mặt với những tình huống bất ngờ. Do vậy, việc trang bị các kỹ năng sống cho bé từ nhỏ là điều vô cùng cần thiết và giúp con thêm tự tin khi rời xa vòng tay ba mẹ. 

Dưới đây là những kỹ năng sống quan trọng mà bất kỳ ba mẹ nào cũng nên chuẩn bị cho con trong những năm tháng đầu đời. Hãy cùng Luật Trẻ Em Thủ Đô tham khảo ngay nhé!

Tại sao ba mẹ cần phải rèn luyện kỹ năng sống cho bé?

Kỹ năng sống là gì? 

Kỹ năng sống là các kỹ năng cá nhân để giải quyết các công việc hay các tình huống trong cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Từ những kiến thức đã học, trẻ biết vận dụng các kiến thức đó vào đời sống thực tiễn; kỹ năng tâm lý xã hội để quản lý bản thân hay tương tác với những người xung quanh,…

Kỹ năng sống bao gồm những gì?

Xã hội phát triển thì kỹ năng sống cũng theo đó mà trở nên đa dạng và phong phú. Nhưng khi áp dụng vào việc giáo dục kỹ năng sống, ba mẹ chỉ cần nắm rõ một số kỹ năng cơ bản như: giao tiếp, tự bảo vệ bản thân, quản lý cảm xúc, làm việc nhóm,…

kỹ năng sống bao gồm những gì
Kỹ năng sống có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của con

Kỹ năng sống quan trọng như thế nào?

Ngoài những kiến thức trong sách vở thì bổ sung thêm các kỹ năng sống trẻ em là cách giúp con phát triển một cách toàn diện. Việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ em giúp bé:

  • Biết cách ứng xử đúng mực với người lớn, bạn bè đồng trang lứa
  • Biết cách xử lý các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra bất ngờ một cách bình tĩnh, linh hoạt.
  • Dạy trẻ kỹ năng sống từ nhỏ còn giúp trẻ thêm tự tin, năng động và tự lập hơn.
  • Khi không có ba mẹ ở bên, bé cũng có đủ kiến thức và biết cần phải làm gì, sắp xếp công việc như thế nào cho hợp lý với thời gian biểu,…

Tuy vậy, những kỹ năng sống của trẻ em cũng cần có thời gian để các con vừa học vừa thực hành thì mới hiệu quả và trở thành những kinh nghiệm, thói quen cho các con hằng ngày. Do đó, song song với sự dạy dỗ của thầy cô, ba mẹ cũng cần dành thời gian và có sự kiên nhẫn để hướng dẫn thêm cho các bé tại nhà.

Các bước dạy bé kỹ năng sống

Giáo dục kỹ năng sống là gì? Đơn giản đó là công việc dạy dỗ đòi hỏi sự đầu tư về thời gian và công sức. Do đó, ba mẹ nào chưa tìm được phương pháp phù hợp thì có thể tham khảo các bước dạy cơ bản như sau:

  • Đưa ra một hành động nên làm hoặc không nên làm cụ thể cho trẻ.
  • Cung cấp các kiến thức liên quan đến hành động đó như: tại sao nên/không nên làm, mục đích làm/không nên làm để được bài học gì, lợi ích/tác hại của hành động đó,..
  • Hướng dẫn trẻ cách học hỏi, quan sát, thực hành làm thử,…
  • Đưa ra tình huống giả định để trẻ vận dụng các kiến thức vào thực tế.
  • Thường xuyên tạo môi trường sinh hoạt với bạn bè, người thân để trẻ hình thành các thói quen tốt từ việc áp dụng các kỹ năng sống.
Xem Thêm:   Thiết Kế Chương Trình Giáo Dục Mầm Non Cho Con Tại Nhà Mùa Dịch
kỹ năng sống quan trọng như thế nào
Nên dạy bé thói quen nói cảm ơn khi được nhận quà hoặc được người khác giúp đỡ

Một số kỹ năng sống cần thiết cho trẻ mà bố mẹ không nên bỏ qua

1. Dạy trẻ sự tự tin để khám phá những điều mới mẻ

Điều đầu tiên khi rèn luyện sự tự tin cho trẻ chính là đặt niềm tin vào con. Trẻ sẽ tin tưởng chính bản thân mình khi mẹ cũng tin tưởng trẻ. Mẹ tin trẻ có thể làm được điều gì đó thì chắc chắn trẻ sẽ hoàn thành một cách tốt nhất. Ngoài ra, mẹ cũng nên tập cho con thói quen nhìn mọi việc theo hướng tích cực. Khuyến khích trẻ mạnh dạn dám nói ra ý kiến của mình, dám thể hiện cá tính riêng trước đám đông. Đồng thời, hãy khen ngợi sự nỗ lực của con nhưng ở mức độ vừa phải, đủ để con không mất niềm tin vào chính mình.

Để giúp con có được sự tự tin, mỗi ngày ba mẹ cũng nên khơi gợi nhiều câu hỏi để nói chuyện với con và giúp con nói ra được những suy nghĩ của bản thân. Ví dụ, mẹ có thể hỏi bé những câu hỏi như: “Tại sao con thích con búp bê này?”. “Hôm nay, con thi điểm có tốt không?”,… Nếu trong lúc nói chuyện trẻ lỡ làm lộ ra những khuyết điểm của mình như bị điểm kém, bị thầy cô la mắng,.. thì ba mẹ cũng đừng vội trách mắng trẻ mà hãy lắng nghe con nói hết, sau đó mới đưa ra lời khuyên vì to tiếng chỉ làm trẻ sợ hãi và nhút nhát hơn mà thôi.

2. Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp hình thành từ lúc bé còn sơ sinh, bởi vậy mẹ hãy cho trẻ tự do giao tiếp trong một môi trường thoải mái, hòa đồng, để con có thể rèn luyện kỹ năng giao tiếp của mình một cách tốt nhất. Giáo dục kỹ năng sống bằng cách nâng cao khả năng giao tiếp sẽ giúp ích rất nhiều khi trẻ trưởng thành sau này.

Khi dạy kỹ năng giao tiếp cho con, không có cách nào hiệu quả bằng việc kết hợp giữa nói chuyện và vui đùa cùng trẻ. Ba mẹ có thể dành thời gian mỗi tối trước khi đi ngủ để kể chuyện cổ tích, hỏi han tình hình học tập của con, bạn thân của bé như thế nào,… Cuối tuần, ba mẹ có thể cho con đến những nơi đông người mà vẫn có thể nâng cao kỹ năng giao tiếp cho bé như: nhà hát thiếu nhi, lớp dạy múa hát, sở thú, công viên nước,… Sự tò mò ở lứa tuổi của con chắc chắn sẽ kích thích bé khám phá, đặt câu hỏi liên tục cho ba mẹ.

3. Kỹ năng làm việc nhóm rất quan trọng

Cuộc sống của con trẻ không thể thiếu đi bạn bè hay những người thân xung quanh. Việc trao đổi, cùng nhau làm việc theo nhóm một cách ăn ý, hòa thuận, đoàn kết là không hề dễ dàng. Chính vì thế, ba mẹ hãy dạy cho trẻ kỹ năng làm việc theo nhóm cho con bằng các cách như: tổ chức các lớp học nhóm cho bé với bạn bè tại nhà, cho con học nhảy múa, diễn kịch, đọc thơ,… để bé có cơ hội được vui chơi, “làm việc” với nhiều “đối tác” ở các lứa tuổi, vùng miền khác nhau. Từ đó, con sẽ dần học được cách phát biểu ý kiến, lắng nghe, nhún nhường, phản biện,… khi học tập, làm việc theo nhóm.

kỹ năng sống giá trị sống
Kỹ năng làm việc nhóm rất hữu ích cho học tập và cả công việc sau này của con

4. Kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi không có bố mẹ

Thay vì cấm các con tiếp xúc với các mối nguy hại thì hãy chỉ bảo các kỹ năng sống sót đơn giản như: cách sơ cứu vết bỏng bằng chườm đá; không lại gần lửa hoặc những vật dễ gây cháy nổ như bình gas, ổ điện hở; không tự ý lấy thuốc trong tủ thuốc gia đình,…

Bên cạnh đó, ba mẹ cũng nên cho bé xem những video, phim ảnh phù hợp với lứa tuổi về kỹ năng sinh tồn, những nguy hiểm khi tiếp xúc với người lạ, cách kêu cứu khi bị người lạ lôi, kéo, dụ dỗ,… để con ghi nhớ.

Ý nghĩa của việc rèn luyện kỹ năng sống khi dạy trẻ cách tự bảo vệ bản thân đó là giúp trẻ bình tĩnh, có phản xạ nhanh trước những mối nguy hiểm đang đe dọa và biết cách giải quyết đúng đắn.

Xem Thêm:   Làm Gì Khi Trẻ Bị Sốt? Những Lưu Ý Mẹ Nên Nhớ Thật Kỹ

5. Kỹ năng tiết kiệm và quản lý chi tiêu

Ba mẹ nào cũng muốn cho con một cuộc sống thoải mái, dư dả. Tuy nhiên, nếu lạm dụng điều này thì lâu dần con vậy sẽ có thói quen ỷ lại và thụ động, chỉ chờ người lớn chu cấp để thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Do đó, ba mẹ nên dạy trẻ kỹ năng sống bằng cách hướng dẫn con tiêu tiền phù hợp, nên và không nên mua những gì, số tiền tiết kiệm có thể làm gì,…

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên tìm thời điểm thích hợp để kể cho bé nghe một cách nghiêm túc rằng  ba mẹ kiếm tiền vất cả thế nào, phải chi tiêu những gì cho gia đình,.. từ đó con sẽ học cách quý trọng sức lao động của bố mẹ. Ba mẹ cũng có thể cho bé tập nuôi heo đất để con có thói quen tiết kiệm tiền quà vặt mỗi ngày.

6. Kỹ năng thuyết trình trước đám đông

Đối với một số bé còn nhỏ thì việc trình bày trước nhiều có thể làm bé cảm thấy sợ. Vì vậy, ba mẹ nên tập luyện cho con từ sớm để giúp bé có thêm tự tin hơn khi phát biển, giao tiếp và trình bày ý kiến của mình trước mọi người một cách hiệu quả.

Hãy cho trẻ xem các video về những em bé đồng trang lứa tự tin phát biểu trước đông người cho bé tập, song song đó là khuyến khích trẻ đặt nhiều câu hỏi, tập các cử chỉ, điệu bộ phù hợp khi thuyết trình,…

7. Kỹ năng quản lý thời gian biểu

Kỹ năng quản lý thời có vai trò khá quan trọng, nhất đối với học sinh bậc tiểu học. Mỗi công việc trẻ thực hiện hàng ngày như làm bài tập, học ngoại khóa, xem tivi, chơi đồ chơi,… có phù hợp và hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào việc bố trí và sắp xếp thời gian đã hợp lý..

Để rèn luyện kỹ năng này cho bé thì ba mẹ nên bắt đầu từ việc tặng cho trẻ một chiếc đồng hồ báo thức. Từ chiếc đồng hồ này, bé có thể vạch ra thời gian biểu rõ ràng, giúp bé thức dậy đúng giờ, hoàn thành bài tập, chơi đúng thời gian quy định,…

8. Kỹ năng quản lý cảm xúc

Phát triển tốt trí tuệ cảm xúc sẽ là tiền đề để con sớm học cách xây dựng các mối quan hệ xã hội. Trong đó, việc duy trì trạng thái cân bằng cảm xúc và tâm lý vững vàng sẽ giúp trẻ học tập hiệu quả hơn.

Ba mẹ có thể giúp bé phát triển trí tuệ cảm xúc bằng cách dạy bé cách nhận biết cảm xúc khi chúng xuất hiện cũng như phân biệt các chúng với nhau. Tiếp theo, con nên học cách xử lý các cảm xúc cho phù hợp với hoàn cảnh. Ví dụ như con xuất hiện cảm xúc nóng giận, con nên bình tĩnh, hít thở sâu để kiềm chế cảm xúc của bản thân,…

Những bài học giáo dục kỹ năng sống cho trẻ độ tuổi mầm non

Đối với trẻ 2 tuổi

Khi bé có thể ngồi vững, biết cầm nắm các đồ vật thì ba mẹ nên tập cho bé cách xúc đồ ăn, tập từ những đồ ăn khô để bé làm quen trước, không dây bẩn ra người, rồi sau đó dần dần là đồ ăn ướt như: cháo, bột, sữa… Ban đầu, trẻ sẽ khó mà gọn gàng nên ba mẹ hãy kiên trì và hỗ trợ để con biết tự ăn. Đồng thời, hãy dạy bé nhớ những thứ có thể ăn và không được ăn.

kỹ năng sống trẻ em
Để bé tự xúc ăn cũng là một cách giáo dục kỹ năng sống

Hiện nay, rất nhiều phụ huynh không chỉ ba mẹ mà còn cả ông bà thường có thói quen chiều chuộng con quá đà. Ví dụ như thấy con té ngã là chạy ngay đến đỡ con dậy, khi trẻ khóc là tìm mọi cách chiều theo ý con để bé nín,… khiến cho bé dần có thói quen ỷ lại, ăn vạ, không có ý chí tự vượt qua khó khăn. Vì vậy, thay vì nuông chiều thì ba mẹ hãy giúp bé – khi ở độ tuổi lên 2 có thể tự lập rèn luyện khả năng tự lập từ những việc nhỏ nhặt nhất, biết cách khắc phục những khó khăn, không được bỏ cuộc sớm ba mẹ nhé!

Đối với trẻ 3 tuổi

Với trẻ lên 3, hãy tập cho bé cách ứng xử lễ phép ngay từ khi bé biết chào hỏi mọi người, biết cảm ơn khi được người khác giúp đỡ, biết nhận lỗi và nói xin lỗi khi làm sai,… Ứng xử là một kỹ năng cần thiết và quan trọng mà các bậc phụ huynh cần chú trọng giáo dục cho con ngay từ tấm bé để hình thành một nhân cách tốt. Đồng thời chính chúng ta – nhưng người làm ba mẹ, người thân của bé phải là tấm gương tốt cho con bằng việc tạo dựng những thói quen tốt mỗi ngày để bé học tập.

Xem Thêm:   Dạy Trẻ 3 Tuổi Đúng Cách Để Con Thông Minh Vượt Trội

Khi 3 tuổi, việc cho con ghi nhớ tên, tuổi ba mẹ và những thông tin quan trọng như số điện thoại, địa chỉ nhà, chúng sẽ vô cùng có ích nhỡ khi con bị lạc, bị người xấu bắt cóc,… Phòng trường hợp con quá hoảng sợ và sẽ mất bình tĩnh khi gặp nguy hiểm, ba mẹ có thể chuẩn bị thêm một tờ giấy nhỏ ghi các thông tin sau đó đựng vào trong balo của con mỗi khi bé ra ngoài để đảm bảo con có thể nhớ ra và gọi người giúp đỡ khi cần.

Đối với trẻ 4 tuổi

Nếu lúc 3 tuổi ba mẹ đã hướng dẫn bé ghi nhớ các thông tin về ba mẹ thì lên 4 hãy dạy con cách giải quyết, phản ứng lại với người xấu như khi bị người lạ mặt bắt, dắt tay, lôi đi,… hãy dạy bé biết cách hét to kêu cứu, tuyệt đối không khóc và phải phản ứng mạnh mẽ để mọi người xung quanh phát giác và giúp đỡ. Việc con la hét, quẫy đạp sẽ phần nào làm cho kẻ xấu lúng túng, mất không ít thời gian di chuyển và tạo điều kiện người tốt xung quanh có thể ứng cứu kịp thời. Đây là một kỹ năng sống cho bé vô cùng quan trọng ở độ tuổi mẫu giáo.

Bên cạnh đó, khi lên 4, các con sẽ luôn muốn khám phá, tìm tòi tất thảy mọi thứ xung quanh và luôn hứng thú khi được biết thêm nhiều điều mới mẻ. Chính vì vậy, ở lứa tuổi này ba mẹ hãy dạy con kỹ năng sống giá trị sống bằng cách tập đặt câu hỏi với người lớn để biết đây là cái gì? Nó hoạt động ra sao? Tại sao nó lại có hình thù như vậy?… rồi lý giải cho con.  Hoặc ba mẹ cũng có thể mua thêm nhiều sách để đọc cho bé nghe về những điều mới mẻ nhưng được lồng ghép các kỹ năng sống sót vào trong đó ví dụ như kỹ năng sống trong rừng, kỹ năng tham gia giao thông,…. Hãy tạo cho con thói quen đọc sách cũng như cơ hội tốt nhất để bé được học hỏi mọi thứ ba mẹ nhé!

dạy bé kỹ năng sống
Luôn tạo điều kiện cho bé thoải mái khám phá thế giới xung quanh

Đối với trẻ 5 tuổi

Việc dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 tuổi bắt đầu bằng biết cách sắp xếp đồ đạc ngăn nắp.  Sau khi chơi đồ chơi, ba mẹ hãy hướng dẫn con sắp xếp lại đồ đạc gọn gàng vào đúng chỗ ban đầu. Dần dần, chỉ từ việc thu dọn đồ chơi cũng sẽ giúp trẻ hình thành một lối sống ngăn nắp, gọn gàng, chỉnh chu ngay từ nhỏ.

Trẻ 5 tuổi mặc dù còn học mẫu giáo song đừng vì thế mà quá chiều chuộng con. Ở tầm tuổi này, bé đã có thể học cách tự chăm sóc bản thân bằng những việc nhỏ mỗi ngày như tự lấy đồ ăn, tự đi vệ sinh, tự thức dậy đánh răng, tự mặc quần áo đi học…  Nói như vậy không có nghĩa là ba mẹ bỏ mặc trẻ mà hãy cùng con sinh hoạt, quan sát cách con làm và hướng dẫn cho trẻ thói quen tự chăm sóc bản thân đúng cách để cho con có môi trường tự lập cá nhân.

Sắp bước vào lớp 1, trẻ cũng sẽ bắt đầu có những tò mò, muốn phân biệt về giới tính. Bởi vậy, ba mẹ hãy giáo dục con trẻ về vấn đề này một cách tinh tế, cẩn thận và chuẩn mực. Ba mẹ có thể dạy con biết cách ăn mặc, cư xử đúng với giới tính của mình; dạy con giữ khoảng cách với các bạn khác giới; dạy con biết bảo vệ các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể và không cho người lạ đụng chạm vào những chỗ đó,…

Tóm lại, trẻ càng lớn thì trách nhiệm của phụ huynh cũng dần tăng theo. Để có thể thực hiện tốt chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ nhỏ thì không chỉ cần rất nhiều thời gian mà còn cả sự tinh, kiên nhẫn của ba mẹ và tất cả các thành viên trong gia đình. Nếu ba mẹ không có nhiều thời gian hoặc chưa biết phải bắt đầu từ đâu thì có thể tham khảo ngay chương trình giáo dục kỹ năng sống tại Luật Trẻ Em Thủ Đô. Tại đây, bé sẽ được các thầy cô giáo tận tình dạy bảo những kỹ năng mềm cần thiết và phù hợp với độ tuổi của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *