Có thể các bậc phụ huynh đã từng nghe đến hai chỉ số EQ và IQ. Tuy nhiên, để trả lời cho câu hỏi EQ là gì thì không phải ba mẹ nào cũng có thể giải thích một cách đầy đủ cũng như hiểu rõ các tác động của hai chỉ số này đến quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Vậy IQ và EQ là gì? Hai chỉ số IQ và EQ cái nào quan trọng hơn? EQ cao là bao nhiêu? Hãy cùng Luật Trẻ Em Thủ Đô tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

1. Định nghĩa EQ và IQ là gì?

1.1 EQ là gì?

EQ viết tắt của từ gì? EQ là viết tắt của cụm từ Emotional Quotient hay còn gọi là trí tuệ cảm xúc.

EQ nghĩa là gì? Nó có nghĩa là khả năng xác định, kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ của bản thân hay những người xung quanh.

EQ cũng là chỉ số đo lường trí tuệ cảm xúc (hoặc trí tuệ xúc cảm) của con người và EQ cũng là yếu tố quyết định hành vi của người đó.

EQ là chỉ số về trí tuệ cảm xúc của con người

Chỉ số EQ trí tuệ cảm xúc tập trung vào các khả năng như:

  • Xác định cảm xúc của bản thân.
  • Đánh giá cảm xúc của người khác.
  • Kiểm soát cảm xúc của bản thân.
  • Khả năng nhận biết cảm xúc của người đối diện.
  • Sử dụng cảm xúc của bản thân để hòa nhập với xã hội.
  • Kết nối bản thân với những người xung quanh.

1.2 IQ là gì?

IQ là gì? IQ là thuật ngữ quen thuộc thay thế cụm từ Intelligence Quotient, hay được biết đến nhiều hơn là chỉ số thông minh. Chỉ số IQ cao đồng nghĩa với việc người đó sở hữu bộ não “khủng” về tư duy, phản xạ,…

Một người bình thường chỉ số IQ sẽ nằm trong khoảng từ 85 – 115. Tất nhiên sẽ có trường hợp vượt trội với chỉ số IQ cao và ngược lại. Những ai có IQ cao sẽ có một trí tuệ vô cùng tuyệt vời, họ có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề, thậm chí là những vấn đề nan giải hóc búa mà không phải ai cũng làm được. Bởi vậy, những người có IQ cao rất dễ dàng thành công trong học tập cũng như sự nghiệp.

eq và iq
IQ và EQ là 2 chỉ số quan trọng quyết định thành công của một con người

Chỉ số IQ thể hiện qua khả năng sau:

  • Xử lý thị giác và không gian.
  • Kiến thức sâu rộng về thế giới.
  • Dòng suy nghĩ khác người bình thường.
  • Thường có trí nhớ làm việc và trí nhớ ngắn hạn hoặc thậm chí đãng trí.
  • Tư duy định lượng tốt.

2. So sánh IQ và EQ

EQ và IQ là hai thước đo quan trọng nhưng cũng rất dễ nhầm lẫn. Vậy sự khác nhau giữa 2 chỉ số EQ và IQ là gì? Ba mẹ hãy cùng xem những phân tích cụ thể dưới đây để tìm câu trả lời nhé!

Cơ sở so sánh IQ EQ
Ý nghĩa Là con số thu được từ những bài test tiêu chuẩn, đại diện cho khả năng suy luận, logic Đề cập đến mức độ thông minh cảm xúc, được thể hiện bằng điểm số đạt được khi kiểm tra EQ test quiz
Biện pháp Trí thông minh nói chung Trí tuệ cảm xúc
Thay đổi được hay không Bẩm sinh Được rèn luyện và có thể cải thiện
Có khả năng Học, hiểu, thực hiện kiến thức, tư duy trừu tượng Nhận biết, kiểm soát và thể hiện cảm xúc của bản thân, nhận thức và đánh giá cảm xúc của những người khác
Đảm bảo Thành công trong học tập Thành công trong cuộc sống

3. EQ hay IQ quan trọng hơn?

EQ và IQ đều là những chỉ số quan trọng và cần thiết đối với một con người. Có rất nhiều ba mẹ lầm tưởng chỉ cần con có IQ cao là được, song theo các chuyên gia, nếu muốn trở thành một người thành công thực sự, chúng ta cần ít nhất 80% EQ và chỉ cần 20% IQ là đủ. IQ cao sẽ giúp quá trình tư duy, tính toán một cách nhanh gọn chính xác. Còn EQ cao lại là “kim chỉ nam” giúp chúng ta bình tĩnh, suy xét kỹ càng hơn để đưa ra những quyết định có tầm nhìn xa hơn, mang lại lợi ích chung nhất.

Mặc dù hiện nay chưa có bài kiểm tra trắc nghiệm EQ nào có thể đo được chỉ số EQ chính xác tuyệt đối như khi test IQ, song nếu muốn kiểm tra chỉ số EQ của bé thì ba mẹ có thể cho con thử bài EQ Test chuẩn quốc tế với kết quả ở mức độ tương đối tại đây.

Chỉ số cảm xúc EQ được đánh giá cụ thể như sau:

  • EQ < 84: thuộc nhóm có EQ thấp, thường chiếm khoảng 16% dân số của thế giới.
  • EQ 85 – 115: thuộc nhóm EQ trung bình. Khoảng EQ này khá phổ biến trên thế giới và chiếm khoảng 68%.
  • EQ 116 – 130: thuộc nhóm EQ cao và chỉ chiếm khoảng 14% dân số thế giới.
  • EQ >131: thuộc nhóm EQ tối ưu và cực hiếm, chỉ khoảng 2% dân số đạt được mức điểm này.
Xem Thêm:   Có Nên Giáo Dục Giới Tính Cho Trẻ 3 Tuổi? Ba Mẹ Cần Biết

Nhìn vào bảng số liệu trên, chắc chắn ba mẹ đã tìm được câu trả lời cho thắc mắc EQ cao là gì? EQ cao là bao nhiêu, hoặc EQ 120 là cao hay thấp rồi đúng không nào?

eq cao là bao nhiêu
Trẻ nhỏ có thể cải thiện chỉ số EQ thông qua quá trình học tập, rèn luyện

Một điều thú vị về EQ mà ba mẹ có thể tham khảo đó là nếu bé có chỉ số EQ từ trung bình trở lên thì những công việc thích hợp dành cho bé sau này có thể là: Nhà văn, nhà triết học, bác sĩ tâm lý, giáo sư, thạc sĩ, tiến sĩ, nghề quản lý nhân sự, lãnh đạo,… Vì những công việc này cần rất nhiều sự kiên nhẫn và có khả năng định hướng được cho người khác.

Chỉ số EQ cao cũng đồng nghĩa với việc người đó rất giàu tình cảm, luôn thấu hiểu, giúp đỡ mọi người xung quanh và sau này trẻ sẽ được rất nhiều người yêu mến, tôn trọng. Cho nên, không ngạc nhiên khi người có EQ cao thành công trong cuộc sống hơn thực tế hơn là thành tích khi học tập.

Trong khi đó, nếu trẻ có IQ nhỉnh hơn trung bình một xíu thì sẽ phù hợp với các công việc cần suy nghĩ, tư duy, vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống nhiều hơn như: bác sĩ, kỹ sư, nhà kinh tế, nhà khí tượng học, kiến trúc sư, thẩm phán, luật sư,…

Vậy nên, không thể đơn phương nhận định IQ và EQ cái nào quan trọng hơn, mà ba mẹ cần biết cân bằng giúp bé biết cách khi nào nên vận dụng IQ và khi nào cần EQ. Điều này sẽ giúp trẻ trở sớm hoàn thiện bản thân và thành công hơn trong cuộc sống.

4. Có mấy loại EQ trí tuệ cảm xúc?

4.1 Self-awareness – Tự nhận thức

Tự nhận thức có nghĩa là khả năng tự nhận ra một cảm xúc khi nó xuất hiện. Sự phát triển khả năng tự nhận thức đòi hỏi trẻ phải điều chỉnh theo cảm xúc thật. Trong đó, nếu tự đánh giá được cảm xúc của mình, trẻ sẽ dễ dàng kiểm soát được nó.

2 yếu tố của sự tự nhận thức đó là:

  • Nhận thức cảm xúc: khả năng nhận diện cảm xúc và tác động của nó
  • Sự tự tin: hiểu rõ giá trị và khả năng của bản thân

4.2 Self-regulation – Tự điều chỉnh

Một người bình thường ít sẽ có sự kiểm soát khi trải nghiệm các cảm xúc. Song, cũng có trường hợp “thân chủ” sẽ tự quyết định cảm xúc đó tồn tại trong khoảng thời gian bao lâu. Nói một cách dễ hiểu, nếu con bạn có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt, bé sẽ có thể tự biết cách làm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực (tức giận, buồn chán, tuyệt vọng, lo lắng,…). Ngược lại, khi vui vẻ, hạnh phúc, hân hoan,… bé cũng có khả năng tự mình lưu giữ những khoảnh khắc tích cực lâu hơn.

Các yếu tố hình thành nên sự tự điều chỉnh gồm:

  • Tự kiểm soát: quản lý tốt các xung đột cảm xúc
  • Đáng tin cậy” duy trì các tiêu chuẩn trung thực và liêm chính
  • Sự tuân thủ: chịu trách nhiệm về hiệu suất làm việc của bản thân
  • Khả năng thích ứng: có thể xử lý các thay đổi một cách linh hoạt
  • Sự đổi mới: cởi mở hơn với những ý tưởng mới

4.3 Motivation – Động lực

Động lực hiểu đơn giản là từ mục tiêu có sẵn, kết hợp với thái độ tích cực, từ đó thúc đẩy bản thân phấn đấu để hoàn thành mục tiêu một cách tốt nhất. Mặc dù khi thực hiện mục tiêu đều sẽ xuất hiện cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực, nhưng dần dần trẻ đều có thể học được cách nỗ lực và điều chỉnh các cảm xúc tiêu cực sang tích cực – điều này sẽ giúp cho quá trình đạt được mục tiêu nhanh hơn.

Động lực được cấu thành bởi:

  • Sự thúc đẩy thành tích: không ngừng phấn đấu
  • Cam kết: phù hợp với các mục tiêu
  • Sáng kiến: sẵn sàng thực hiện khi có cơ hội
  • Lạc quan: kiên trì theo đuổi mục tiêu, không sợ khó khăn

4.4 Empathy – Sự đồng cảm

Khả năng nhận ra cảm xúc của người khác và chia sẻ các cảm xúc đó cùng với họ chính là sự đồng cảm. Càng khéo léo trong việc nhận ra cảm xúc từ những tín hiệu của người đối diện, bé sẽ càng kiểm soát tốt các tín hiệu mà bé đã gửi cho họ.

eq trí tuệ cảm xúc
Sự đồng cảm là một trong những yếu tố quan trọng hình thành nên trí tuệ cảm xúc EQ

Một người có sự đồng cảm sẽ tồn tại những yếu tố sau:

  • Định hướng dịch vụ: dự đoán và đáp ứng nhu cầu của người khác
  • Tận dụng sự đa dạng: nhận dạng được nhiều loại cảm xúc hơn
  • Nhận thức về chính trị tốt hơn
  • Thấu hiểu người khác: trở thành một con người giàu tình cảm

4.5 Social skills – Kỹ năng xã hội

Giao tiếp chính là chìa khóa để trẻ mở rộng các mối quan hệ xã hội. Trong đó, nếu con bạn sở hữu chỉ số EQ cao thì cũng đồng nghĩa với việc bé có khả năng cao để thấu hiểu, cảm thông và đàm phán với người khác một cách dễ dàng.

Bên cạnh kỹ năng giao tiếp thì còn một số các kỹ năng xã hội khác cũng rất quan trọng như:

  • Sự ảnh hưởng: sử dụng chiến thuật thuyết phục
  • Khả năng lãnh đạo: truyền cảm hứng và dẫn dắt
  • Quản lý xung đột: thấu hiểu và giải quyết các bất đồng
  • Xây dựng kết nối: duy trì các mối quan hệ
  • Kỹ năng làm việc nhóm: kết hợp để tạo ra sức mạnh của tập thể vì mục đích chung
  • Hợp tác và cộng tác: làm việc chung để hướng đến mục tiêu chung
Xem Thêm:   Khám Phá Khoa Học Mầm Non – Hoạt Động Thú Vị Và Bổ Ích Cho Trẻ

5. Ba mẹ có thể làm gì để phát triển trí tuệ cảm xúc ở trẻ?

Việc nuôi dưỡng kỹ năng để phát triển trí thông minh cảm xúc ở trẻ sẽ trở nên phức tạp dần khi trẻ lớn lên. Thế nhưng, ba mẹ hoàn toàn có thể hỗ trợ sự phát triển cảm xúc lành mạnh cho bé bằng 6 bước sau:

5.1 Giúp bé hiểu cảm xúc của mình

Việc có thể nhận biết và gọi tên cảm xúc của chính mình là bước đầu tiên cho trẻ học cách đối mặt với cảm xúc. Từ 1 – 2 tuổi trở đi, mẹ sẽ thấy được sự thay đổi rõ rệt các cách thể hiện cảm xúc của bé. Vì thế, phụ huynh nên theo dõi và hỗ trợ để bé có thể phát triển EQ một cách tốt nhất trong giai đoạn đầu đời.

Ở giai đoạn này, ba mẹ cũng phải hết sức thận trọng, dù vô tình hay cố ý cũng không nên làm tổn thương cảm xúc của bé. Để giúp bé hiểu cảm xúc, ba mẹ hãy làm mẫu và nói về cảm xúc để con hiểu được lý do tại sao bé lại cảm thấy vui, buồn như vậy.

Ví dụ: khi bà ngoại rời đi bé bắt đầu khóc, mẹ hãy nhíu mày nhìn con và nhẹ nhàng nói: “Bà ngoại phải đi về rồi. Con thấy rất buồn đúng không nào? Mẹ cũng thế”. để trẻ hiểu được cảm xúc “buồn” là như thế nào.

phát triển trí tuệ cảm xúc
Dạy bé hiểu cảm xúc của mình để học cách tự đối mặt với cảm xúc

5.2 Dạy bé rằng cảm xúc không hề xấu, chỉ cần cố gắng vượt qua

Các nhà tâm lý học đã chứng minh được việc bé cảm thấy xấu hổ về cảm xúc đối với các vấn đề như: hành động bạo lực (bắt nạt hoặc bị bắt nạt), lo lắng và thậm chí là trầm cảm. Những lần đầu tiên khi con có những cảm xúc như vậy, mẹ hãy bế và ôm bé, nhẹ nhàng nói mọi chuyện sẽ ổn thôi và con sẽ không sao.

Tương tự như vậy, khi bé tức giận ném đồ đạc xuống đất, mẹ hãy nói với bé rằng: “Con có thể thấy tức giận nhưng mẹ không cho phép con ném đồ như vậy”. Khi dạy bé bằng cách này, dần dần bé sẽ hiểu mình có thể bộc lộ cảm xúc nhưng hành vi của bé là sai, lần sau bé sẽ kiềm chế và không nên lặp lại nữa.

5.3 Hướng dẫn bé đối mặt với cảm xúc tiêu cực

Trong những năm đầu đời, vì chưa học được cách kiềm chế nên bé nào cũng sẽ phản ứng rất dữ dội khi xuất hiện cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, khi khó chịu hoặc tức giận, bé sẽ cào, đánh hoặc cắn người làm bé giận, kể cả ba mẹ. Những lúc này, mẹ không nên la mắng mà hãy dạy bé đối phó với sự tức giận một cách tử tế hơn như hít thở sâu và nói: “Mẹ ơi, con đang rất tức giận đó!” hoặc “Ba mẹ đừng trêu con nữa, con không thích chút nào”,…

Đặc biệt, khi lên 2 các bé thường sẽ trải qua một giai đoạn gọi là “khủng hoảng tuổi lên 2”. Khi đó, trẻ thường có những hành động như nằm ăn vạ, gào khóc, giãy dụa,… khi không được cưng chiều theo ý của mình. Cách tốt nhất là ba mẹ hãy đi ra chỗ khác (nhưng vẫn có thể quan sát bé để phòng những trường hợp nguy hiểm), cho bé khóc hết cơn, sau đó mới từ từ giảng giải cho con hiểu.

Phụ huynh cũng nên nhớ nếu mình la hét khi bực bội, bé cũng sẽ bắt chước theo. Bởi vậy, điều ba mẹ cần nhất là sự bình tĩnh, và sau đó hãy nói cho bé biết rằng đây là cách ba mẹ điều chỉnh cảm xúc lúc khó chịu, tức giận. Làm như vậy thường xuyên, ba mẹ sẽ thành công trong việc giúp bé thoát khỏi “khủng hoảng” và dạy trẻ biết tiết chế cảm xúc của mình.

5.4 Hướng dẫn bé cách thể hiện cảm xúc tích cực

Bên cạnh việc dạy bé phản ứng khi không vui, mẹ cũng nên hướng dẫn bé phải làm gì khi hạnh phúc, tự hào hay phấn khích.

Ví dụ, lần đầu tiên bé xếp hình thành công, mẹ hãy cười và vỗ tay hoan hô bé. Như vậy, bé học được rằng nếu bản thân cảm thấy tự hào, bé có thể vui vẻ ăn mừng.

Hoặc bé cảm thấy phấn khích khi nghe tin bà ngoại sắp lên chơi và cho quà bánh, mẹ hãy nói với bé: “Bà sắp lên chơi rồi, con vui không nào? Mẹ con mình bật nhạc hát cùng để đợi bà nhé!”,…

5.5 Làm mẫu và khuyến khích bé làm theo

Trẻ con giỏi nhất là bắt chước. Thế nên, nếu cảm thấy khó nói về sự đồng cảm, ba mẹ có thể làm mẫu thông qua những tình huống có thật ngoài đời khi chơi cùng với bé. Ví dụ như: “Chú chó nhỏ kia ngồi một mình chắc hẳn rất buồn và thấy cô đơn. Con có muốn chơi cùng để bạn ấy hết buồn không?”,… Với trẻ nhỏ, sự đồng cảm đơn giản là cách con cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với những người xung quanh.

trò chơi phát triển cảm xúc cho trẻ
Đừng quên dạy trẻ học cách chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với những người xung quanh

Đặc biệt, trí tuệ cảm xúc của các bé phát triển rất nhanh, nhất là tuổi dậy thì, con cũng có thể không kiểm soát được cảm xúc của mình. Do đó, nếu ba mẹ cố gắng hướng dẫn cho bé về những cảm xúc, cách thể hiện và tiết chế những cảm xúc tiêu cực thì trí tuệ cảm xúc của bé sẽ dần trưởng thành và hoàn thiện hơn sau này.

5.6 Ba mẹ hãy cảm thông, động viên và đồng hành cùng trẻ

Điều quan trọng nhất trong suốt quá trình phát triển trí tuệ cảm xúc cho trẻ chính là sự đồng hành của ba mẹ. Khi con còn bé, chưa thật sự hiểu rõ vấn để, ba mẹ đừng trách mắng mà hãy nhẹ nhàng khuyên bảo và kiên nhẫn chờ đợi con thay đổi. Ngoài ra, luôn bên cạnh cùng con thực hành các bài học sẽ giúp bé ghi nhớ kiến thức nhanh hơn, quan hệ giữa ba mẹ và bé cũng gần gũi và tự nhiên hơn.

Xem Thêm:   Sự Tự Tin Là Gì? Xây Dựng Lại Sự Tự Tin Ở Con Chuẩn Bị Cho “Bình Thường Mới”

Những trò chơi phát triển cảm xúc cho trẻ

Dưới đây là một số trò chơi đơn giản vừa giúp trẻ phát triển cảm xúc vừa rèn luyện những kỹ năng xã hội một cách nhanh nhất cho trẻ.

Chơi đóng vai ở nhà

Ba mẹ là tấm gương của trẻ – chúng quan sát tỉ mỉ mọi việc ba mẹ làm, những điều ba mẹ nói rồi bắt chước. Vì thế, chơi trò đóng vai sẽ mang lại cho con rất nhiều lợi ích về mặt xã hội, trí tuệ cảm xúc và cả nhận thức.

trí thông minh cảm xúc
Rèn luyện trí tuệ cảm xúc cho trẻ qua những trò chơi bổ ích

Đầu tiên, mẹ hãy cho bé khám phá trò chơi bằng cách bắt chước những việc mà ba mẹ hoặc những người thân trong nhà làm hàng ngày. Ví dụ như: nói chuyện điện thoại, nấu ăn, chải đầu,… Ba mẹ hãy nhớ chơi cùng với con để giúp cả 2 thân thiết hơn và bé cũng học được cách ứng xử trong xã hội nhé!

Chơi trò đóng vai cũng góp phần thúc đẩy trí tưởng tượng, phát triển khả năng tư duy ngôn ngữ và trí tuệ cảm xúc của bé. Ví dụ, khi bé đóng vai mẹ đang làm bếp, bé sẽ hồi tưởng các hành động có mục đích và làm lại những hành động đó một cách tự tin. Những địa điểm ba mẹ và bé có thể chơi trò này rất nhiều như ở nhà, ngoài vườn, trong công viên,…

Giới thiệu động vật

Đóng giả động vật là một trò chơi quen thuộc để kích thích trí tưởng tượng và óc sáng tạo của bé. Với trò chơi này, ba mẹ có thể ra các câu đố, sau đó kết hợp tiếng kêu của các loài động vật với các chuyển động và hỏi bé đây là con gì. Lúc này, bé sẽ học được rất nhiều kỹ năng như sự tập trung, quan sát, lắng nghe để tìm ra câu trả lời đúng. Mô phỏng theo tiếng động vật cũng là một cách để bé biết thêm những âm thanh mới lạ.

rèn luyện trí tuệ cảm xúc
Bé bộc lộ được nhiều cảm xúc hơn khi chơi với thú cưng

Bên cạnh đó, ba mẹ cũng nên đọc hoặc cho bé xem những cuốn sách về động vật; trau dồi vốn từ vựng cho trẻ bằng cách miêu tả con vật gồm: tên gọi, kích cỡ, màu sắc,… Đặc biệt, trò chơi này không chỉ hỗ trợ quá trình phát triển trí não, dạy bé nhận biết các con vật mà còn giúp rèn luyện trí tuệ cảm xúc cho bé. Thậm chí, khi mẹ hỏi: “Con mèo kêu thế nào con nhỉ?” và dù chỉ mới bập bẹ, bé vẫn có thể kêu “meo meo” cho mẹ xem đấy!

Một vài lưu ý nhỏ cho ba mẹ khi cho bé tập cho bé chơi trò chơi này là:

  • Đến vườn thú, công viên, ngoại thành,… nơi có những loài động vật bé có thể quan sát trực tiếp
  • Mua sách có hình ảnh hoặc thẻ học về chủ đề động vật.
  • Cho bé nghe và tập cho bé hát theo những bài hát về động vật.

Làm dịu cảm giác

Những đồ vật gần gũi và quen thuộc sẽ khiến bé cảm thấy mình có cảm giác an toàn hơn. Với trò chơi này, ba mẹ có thể biến những món đồ chơi mềm mại thành một phần thói quen của bé. Ví dụ như để bé nhận ra đã đến giờ đi ngủ, mẹ hãy chỉ và chú gấu bông mà bé thích nhất và hỏi: “Đến giờ ngủ trưa rồi, con ôm bạn gấu bông đi ngủ cùng nhé?” hoặc “Mẹ bật nhạc bài “Chúc bé ngủ ngon” cho con nghe nhé?” rồi chờ bé nằm yên trên giường rồi mới mở nhạc.

Tìm kiếm giác quan

“Tìm kiếm giác quan” là trò chơi vận động kết hợp trí tuệ giúp khơi dậy trí tò mò tự nhiên của trẻ. Đây cũng là một cách tuyệt vời để trẻ tìm hiểu thêm về giác quan con người, tạo lập các kỹ năng xã hội và trí tuệ cảm xúc của bé trên suốt chặng đường đời.

Ba mẹ hãy tạo ra một “chiếc túi cảm giác” đựng các đồ vật bằng nhiều chất liệu khác nhau. Sau đó, bé sẽ lấy tay mò trong chiếc túi và cảm nhận từng đồ vật. Trước khi đoán đồ vật đó là gì, mẹ hãy đặt ra các câu hỏi như cảm giác chạm vào đồ vật đó thế nào? Vật mềm hay cứng? Bề mặt nhẵn hay gồ ghề? Lấy tay bóp có tạo ra tiếng kêu không?… sau đó để bé tự cảm nhận và miêu tả. Mỗi lần đoán đúng, ba mẹ hãy vỗ tay hoan hô và nhớ chuẩn bị sẵn phần thưởng cho người chiến thắng để bé thêm phần phấn khích khi chơi nhé.

Mời bạn của bé đến nhà chơi

Ba mẹ có biết mời bạn của bé đến nhà chơi cũng là một cách giúp quá trình phát triển kỹ năng xã hội và trí tuệ cảm xúc của bé được tốt hơn vì con sẽ có nhiều cảm xúc tích cực như vui vẻ, hạnh phúc và sự phấn khích.

Vui chơi với bạn bè cùng trang lứa là cách nâng cao trí tuệ cảm xúc cho trẻ

Để tổ chức một “cuộc hẹn” cho các bé, ba mẹ hãy cùng con lên kế hoạch, chuẩn bị những thứ cần thiết như đồ chơi, đồ ăn, đồ uống, địa điểm,… phù hợp. Đối với những em nhỏ, các con sẽ rất vui khi có thêm bạn tập bò, tập ngồi chung trong nhà banh. Còn với những bé lớn hơn và đã đi học, phụ huynh có thể cho các con chơi trò tập làm cô giáo, chơi đồ hàng,… và nhớ là để không gian riêng để các bé tha hồ vui đùa và nói chuyện với nhau nhé!

Ai ở đầu dây bên kia thế?

Chơi trò nói chuyện điện thoại với bé là một cách giúp bé học tập và tích lũy kinh nghiệm giao tiếp. Không chỉ vậy, trò chơi này cũng sẽ kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo, vận động khả năng nghe và kỹ năng ngôn ngữ của bé một cách tối đa.

Để bắt đầu chơi trò “Ai ở đầu dây bên kia thế?”, ba mẹ hãy mua cho bé chiếc điện thoại đồ chơi mà con thích, bấm tiếng chuông reo và sau đó nói chuyện với bé như một người bạn. Để trò chơi này trở nên thú vị, ba mẹ có thể kết hợp với trò đóng vai ở trên.

Qua bài viết trên, hy vọng ba mẹ sẽ hiểu hơn về khái niệm EQ là gì? Sự khác biệt của EQ và IQ và nắm được một số phương pháp giúp phát triển trí thông minh cảm xúc EQ ở trẻ nhỏ. Tuy vậy, ba mẹ cũng nên nhớ mỗi bé sẽ có một thế mạnh riêng. Bên cạnh việc quan tâm, ba mẹ hãy chuyện trò với bé nhiều hơn để thấu hiểu con mình, từ đó có thể giúp bé phát triển bản thân trở nên hoàn thiện hơn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *