Mục Lục Bài Viết
Xâm hại trẻ em là gì?
Xâm hại trẻ em là bất cứ hành động (hoặc không nhất thiết là hành động) có chủ ý và làm tổn thương hoặc gây nguy hại cho trẻ. Hàng ngày, trên thế giới có hàng triệu trẻ em bị xâm hại dưới các hình thức khác nhau. Xâm hại trẻ em xảy ra ở mọi quốc gia.
Các hình thức xâm hại:
Có bốn hình thức chính của xâm hại trẻ em. Trẻ em thường bị xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau, trong cùng một thời điểm.
– Thể chất;
– Tình dục;
– Tinh thần;
– Xao nhãng.
Ảnh hưởng của xâm hại trẻ em
Xâm hại trẻ em gây ra những tổn thương nghiêm trọng và lâu dài cả về thể chất và tâm lý đối với nạn nhân trẻ em. Những hậu quả của xâm hại trẻ em cũng ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Trẻ em không bao giờ có lỗi trong việc bị xâm hại, ngay cả khi việc này làm ảnh hưởng tới gia đình và cộng đồng.
Xâm hại tình dục trẻ em hiện đang là một vấn đề đáng lo ngại đối với đại bộ phận những người làm cha làm mẹ có con nhỏ. Gần đây xuất hiện rất nhiều vụ việc liên quan đến hành vi xâm hại tình dục đối với những bé gái nhỏ. Những kẻ biến thái đã lợi dụng sự ngây thơ, khờ dại của các bé để thực hiện hành vi đồi bại, gây ảnh hưởng rất xấu đến đời sống tinh thần của các cháu.
Xâm hại tình dục trẻ em thể hiện qua các hành vi như: Hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô với trẻ em… Các tội phạm này đều có đặc điểm chung là xâm phạm đến sức khỏe, sự phát triển bình thường về sinh lý, thể chất, danh dự, phẩm giá, đồng thời xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục của trẻ em. Trong nhiều trường hợp, xâm hại tình dục trẻ em còn gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội.
Nhiều vụ việc đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, khiến trẻ em giảm sút sức khỏe, suy nhược thần kinh, hoảng sợ, bỏ học… ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý một cách bình thường của trẻ.
Trong từng trường hợp phạm tội, tùy thuộc vào hành vi phạm tội cụ thể, tương ứng với mỗi tội danh mà Bộ luật Hình sự nước ta quy định mức hình phạt khác nhau: thấp nhất từ 6 tháng đến 3 năm tù (tội dâm ô với trẻ em – Điều 116), cao nhất có thể lên đến tù chung thân (tội cưỡng dâm trẻ em – Điều 114) hoặc tử hình (tội hiếp dâm trẻ em – Điều 112).
Để đấu tranh phòng ngừa và hạn chế loại tội phạm này một cách hiệu quả, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Người lớn cũng cần trang bị cho trẻ kiến thức và ý thức tự bảo vệ mình.
Căn cứ vào Điều 4 Luật trẻ em 2016, định nghĩa xâm hại tình trẻ em là “việc dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, đe doạ dùng vũ lực, dùng bạo lực để bắt trẻ em tham gia vào hành vi liên quan đến tình dục.”
Ví dụ: Sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm và mại dâm hay hiếp dâm, giao cấu và cưỡng dâm.
Ấu dâm là gì? Là bản năng và ham muốn tình dục lâu dài và liên tục đối với trẻ em chưa đến tuổi thanh niên. Ấu dâm là một bệnh lý (tâm lý học) mà các đối tượng sẽ lạm dụng tình dục trẻ em để thỏa mãn ham muốn.
Các hành vi xâm hại trẻ em
- Có hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.Tước đoạt quyền sống của trẻ em.
- Hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.
- Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
- Hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
Cụ thể hoá thành một số hành vi như sau
- Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
- Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.
- Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.
- Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
- Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.
- Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
- Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em….
Nguyên nhân trẻ em bị xâm hại
Thời gian gần đây, trẻ em bị xâm hại ở một số địa phương tăng lên, nguyên nhân là:
- Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả. Nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, người dân trong cộng đồng và của chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng, chưa đầy đủ. Nhiều trẻ em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa số đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, tố giác kẻ phạm tội. Còn cha mẹ cũng chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh xâm hại tình dục hoặc vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội; thậm chí còn chấp nhận thỏa hiệp đền bù hoặc tổ chức đám cưới, thành nạn tảo hôn nhất là ở những vùng nông thôn, vùng miền núi. Sự thiếu hiểu biết về pháp luật và lối sống thiếu trách nhiệm của một số gia đình cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình. Vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ trẻ em. Cùng với những khó khăn, thách thức trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa, một số gia đình tập trung cho việc làm ăn kinh tế quá mức dẫn đến tình trạng sao nhãng, bỏ mặc trẻ em, đó là mầm mống cho việc nảy sinh các hành vi xâm hại đối với trẻ em. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số thành viên trong gia đình, các giá trị văn hóa gia đình truyền thống không được coi trọng; Nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực, xâm hại tình dục. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến thuận lợi to lớn cho sự phát triển, hội nhập nhưng cũng gây nên khó khăn, thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các gia đình… Đó là sự giảm sút cơ hội việc làm cho những lao động chân tay, không có trình độ cao, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế hộ gia đình; ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, nguy cơ bị xâm hại, bạo lực trên môi trường mạng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện và an toàn của trẻ em trong gia đình.
- Bên cạnh đó, việc tạo cho trẻ em một môi trường thân thiện, với các điều kiện vui chơi, giải trí lành mạnh, phát triển năng khiếu chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em vẫn còn khoảng trống như chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, thiếu quy định cụ thể đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác và phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em; chưa có quy định về thẩm quyền, thủ tục tách trẻ em ra khỏi cha mẹ, người chăm sóc trong trường hợp chính cha mẹ, người chăm sóc có hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em; thiếu hệ thống theo dõi để đảm bảo những trẻ em này không tiếp tục bị bạo lực, bị xâm hại tình dục. Công tác gia đình có liên quan trực tiếp đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đến vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống từ lúc mới sinh cho đến hình thành nhân cách ngay tại gia đình chưa được thường xuyên thống nhất. Hiện nay công tác gia đình, trong đó có trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức, thiếu nguồn lực và chưa có mạng lưới cộng tác viên tại cơ sở.
- Yếu tố cá nhân (Trẻ em): Thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi: trẻ chưa được tìm hiểu về các bộ phận trên cơ thể của bản thân (bao gồm cả vùng kín), dẫn đến việc nhiều trẻ bị xâm hại mà không thể tự nhận biết được sự nghiêm trọng. Thiếu kiến thức và kỹ năng phòng chống xâm hại. Hạn chế trong nhận thức về các hình thức xâm hại. Yếu tố gia đình thiếu hiểu biết và nhận thức chưa đủ: do các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ của vấn đề giới tính với trẻ em. Thiếu sự quan tâm, chia sẻ: Việc cha mẹ, người chăm sóc trẻ sao nhãng, bỏ mặc con cái ở một số gia đình cũng là tiền đề của các hành vi xâm hại đối với trẻ em. Ví dụ: Cha mẹ, người chăm sóc trẻ thường không lắng nghe và tôn trọng mỗi khi con có thái độ bất thường với 1 số người xung quanh. Thiếu kỹ năng về bảo vệ trẻ em, thực hành quyền trẻ em: thiếu kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng giải quyết về pháp lý, kỹ năng chăm sóc và phục hồi cho trẻ bị xâm hại về thể chất và tâm lý. Hoàn cảnh gia đình khó khăn: cha mẹ phải đi làm ăn xa (cha mẹ không có thời gian quan tâm, chăm sóc, gần gũi con cái); những rạn vỡ trong gia đình (tình trạng cha mẹ ly hôn, ly thân hoặc tái hôn…) và sự sói mòn những giá trị truyền thống (cha mẹ vướng phải các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…) đã dẫn tới con số trẻ em bị bỏ rơi, bị sao nhãng, bị lạm dụng và bóc lột ngày càng tăng. Bên cạnh đó, sự phân hóa giàu nghèo với những chênh lệch về điều kiện sống cũng là một trong số những yếu tố dẫn đến việc trẻ bị xâm hại, ví dụ: Trẻ em bị xâm hại thường xảy ra nhiều ở phường có nhiều dân nhập cư, phòng cho thuê, khu vực có đông người lao động nghèo và địa bàn vắng; Ở địa bàn nông thôn vùng sâu, vùng xa, cha mẹ thường chủ quan ít để ý đến con em mình.
- Yếu tố Xã hội: Luật pháp chưa nghiêm ngặt: Các quy định trong hệ thống luật pháp còn chưa được đồng bộ. Một số tội danh chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe tội phạm, nhiều khi không tương xứng với hành vi bạo lực cần xử lý. Ví dụ: Luật chưa đưa ra và xử lý các hành vi xâm hại tình dục trẻ em (không có quy định những hành vi như nhìn, ngắm, vuốt ve, sờ mó, ôm ấp… là hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em). Nhận thức về pháp luật hạn chế: Nhận thức của một bộ phận người dân chưa đủ về Luật Trẻ em (quyền của trẻ em) và Bộ Luật hình sự 2015. Công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn: một số trường hợp nạn nhân và gia đình nạn nhân có thái độ bất hợp tác. Ảnh hưởng từ những trang mạng xã hội Internet có nội dung không lành mạnh: do tác động của những ấn phẩm, trò chơi, phim ảnh có tính chất bạo lực, khiêu dâm và những thông tin độc hại không được kiểm soát lan tràn trên mạng internet… dẫn đến các hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn. Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội chưa hiệu quả: các hoạt động chưa bao phủ được hết các địa bàn, đối tượng; số người thực hiện được nghiệp vụ truyền thông, tư vấn còn hạn chế nên chất lượng truyền thông trực tiếp chưa cao; các sản phẩm truyền thông sản xuất với số lượng ít, chưa đến tay các gia đình…
Giải pháp phòng ngừa, hạn chế tội phạm xâm hại tình dục trẻ em:
- Một là, Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu và bổ sung những văn bản có liên quan về bảo vệ trẻ em cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Các địa phương cần thực hiện tốt luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em theo Quyết định số 267 ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đã đưa ra 05 Dự án để thực hiện trợ giúp 10 diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Chú trọng thúc đẩy việc phát triển Hệ thống bảo vệ trẻ em bao gồm cả việc đề xuất hoàn thiện chính sách, luật pháp; các loại hình dịch vụ và mạng lưới tổ chức, cán bộ.
- Hai là, đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại tình dục trẻ em và hậu quả của nó. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật này phải có kế hoạch, chương trình ngắn hạn, dài hạn cụ thể, trong đó chú trọng đến việc lồng ghép nội dung truyền thông vào trong sinh hoạt của thôn, ấp, tổ dân phố; trong sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể các cấp… cần đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư… Chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại. Tập trung hoạt động truyền thông – giáo dục vào những phường, xã trọng điểm, có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và những nhóm đối tượng còn hạn chế trong thực hiện trách nhiệm của mình đối với trẻ em. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra giám sát việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở, qua đó góp phần giảm tối đa tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục. Có thể nói thực trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đã và đang diễn biến hết sức phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thế hệ trẻ – Những người làm chủ đất nước sau này. Chính vì vậy, phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là một yêu cầu bức thiết hiện nay, từ nghiên cứu, khảo sát thực tiễn trên, xin đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần phòng ngừa, đấu tranh, làm giảm tình trạng tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em.
- Ba là, các cơ quan chức năng cần khảo sát và thống kê số lượng trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để có biện pháp hỗ trợ vật chất, ổn định tâm lý, học văn hóa và học nghề cho trẻ và trên cơ sở đó thực hiện tốt Chương trình bảo vệ trẻ em góp phần thực hiện có hiệu Quyết định số 267/QĐ-TTg và Quyết định số 84/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các cơ quan, tổ chức đoàn thể xã hội có trách nhiệm trong việc bảo vệ và giáo dục trẻ em cần làm tốt công tác phòng ngừa. Vì điều đó sẽ làm giảm thiểu được rất nhiều nguy cơ xảy ra các hành vi xâm hại trẻ em, nếu như chúng ta có được đội ngũ cộng tác viên trẻ em đủ mạnh bởi họ là người trực tiếp nắm bắt thông tin tại địa phương. Ngoài ra các địa phương cần phải tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg ngày 22/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em. Trong đó, tập trung thực hiện chỉ tiêu 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 về phấn đấu đến mức thấp nhất việc phát sinh số trẻ em thuộc nhóm này. Tập trung kinh phí thực hiện Quyết định 37/2010/QĐ-TTg tại những địa bàn khó khăn nhằm xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
- Bốn là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững. Để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Bên cạnh đó, khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế nên các em chính là đối tượng có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục cao nhất. Vì vậy, cha mẹ cũng cần phải trang bi cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Cố gắng chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn. Vì trẻ em hiện nay dậy thì sớm và yêu sớm. Tránh bạo lực khi con có sai phạm, phải nâng đỡ, tôn trọng ý kiến của con, phải biết kiềm chế khi gặp phản ứng trước những căng thẳng khó kiểm soát của con. Cha mẹ luôn cố lắng nghe con nói, hiểu ngôn ngữ của con theo nhóm tuổi, trẻ em càng nhỏ càng khó giải thích nỗi đau. Không chủ quan giao con còn nhỏ cho người khác.
- Năm là, chủ động xác minh, nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn và quản lý chặt chẽ số lượng thanh thiếu niên chậm tiến, có tiền án, tiền sự, các băng nhóm trên địa bàn là những đối tượng có nguy cơ phạm tội xâm hại tình dục. Đối với các nhà trường cần tổ chức nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản cho học sinh thường xuyên. Thầy cô cần quan tâm những học sinh có biểu hiện bất an, không tập trung, cần lắng nghe và quan tâm đến học sinh yếu kém, ít chơi đùa cùng bạn. Thầy cô cần sẵn sàng nói chuyện, trao đổi riêng về tình bạn, tình yêu với học sinh… Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em kết hợp với công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh và vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Đối với người phạm tội cần xử lý nghiêm minh, kịp thời đúng pháp luật, kiên quyết đấu tranh không để lọt tội phạm. Tổ chức tốt các phiên tòa lưu động đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em nhưng phải đảm bảo thuần phong mỹ tục.
- Sáu là, Bộ Công an cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, trong đó có Đề án về đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến xâm hại phụ nữ, trẻ em (Đề án IV); đồng thời phối hợp với Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 về phối hợp quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội; với Mặt trận Tổ quốc các cấp đẩy mạnh thực hiện Đề án tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; với Trung ương Đoàn thanh niên về đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng…. Lực lượng Công an cơ sở cần tổ chức rà soát, phân loại số trẻ em lang thang có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục để phối hợp với các lực lượng bảo vệ, chăm sóc trẻ em và hội phụ nữ để đưa trẻ em về đoàn tụ với gia đình và phân công các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giúp đỡ, tư vấn pháp lý, tâm lý, vận động các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, những người hảo tâm… hỗ trợ vật chất và tinh thần đối với các gia đình có trẻ em gái bị xâm phạm tình dục thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Quy định của pháp luật về xử lý hành vi xâm hại trẻ em
Chế tài xử lý đối với những hành vi xâm hại trẻ em sẽ tùy theo mức độ, tính chất của hành vi và hậu quả mà hành vi đó gây ra, có thể bị :
- Xử phạt hành chính,
- Hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (VD: Người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể phải chịu mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình theo bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017)
Đối với xử phạt hành chính: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, người thực hiện một trong các hành vi sau đây sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng:
- Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em;
- Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
- Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
- Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần;
- Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần.
Bên cạnh việc bị phạt tiền, người thực hiện hành vi còn phải chịu thêm về chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ em. Trẻ em cũng như các cá nhân được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự trong các tội danh trong chương XIV bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Trong đó, các tội phạm thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em bị trừng trị trong những điều luật riêng như:
Điều 142 – Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
- Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi…
Điều 144 – Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm….
Điều 145 – Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi;
Điều 146 – Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi; Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…
Điều 147 – Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Các điều luật trên nhằm cụ thể hóa độ tuổi của bị hại, giúp tăng cường sự bảo vệ cho đối tượng là trẻ em trước các hành vi xâm hại tình dục đang là vấn nạn (tệ nạn xã hội) lớn hiện nay.
Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích đối với quý bạn đọc. Xin chân thành cảm ơn!