Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thay thế cho Nghị định 144/2013/NĐ-CP với nhiều nội dung đáng chú ý.

Tự ý đăng ảnh trẻ em lên facebook bị phạt 40 – 50 triệu

Một trong những nội dung rất đáng chú ý tại Luật Trẻ em năm 2016 là quy định cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

Kế thừa quy định nêu trên, Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định:

Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng với hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ của trẻ em; Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên sẽ bị phạt từ 40 triệu đồng – 50 triệu đồng. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn buộc phải xin lỗi.

Nếu như dự thảo này được thông qua, phải chăng các bậc phụ huynh sẽ phải thận trọng hơn trong việc tự ý đăng ảnh con, tiết lộ đời sống riêng tư của con lên mạng xã hội mà chưa hỏi ý kiến của con, nếu con đã đủ 7 tuổi trở lên?

Xem Thêm:   Những công việc được thuê trẻ em dưới 15 tuổi

Tự ý đăng ảnh con lên facebook bị phạt đến 50 triệu?

Tự ý đăng ảnh trẻ lên facebook bị phạt đến 50 triệu? (Ảnh minh họa)

Quát mắng, “dọa ma” trẻ em có thể bị phạt từ 5 – 10 triệu

Dự thảo quy định: Hành vi gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng.

Mức phạt nêu trên cũng áp dụng với hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em, bắt trẻ em nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân…

Có thể thấy, mức phạt đối với các hành vi nêu trên không thay đổi so với Nghị định 144/2013/NĐ-CP đã quy định trước đây.

Hiện tại, dự thảo Nghị định này đang được lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.