Để xây dựng sự tự tin cho con trước tiên ba mẹ cần hiểu về sự tự tin là gì và ý nghĩa của sự tự tin trong quá trình phát triển của con. Một đứa trẻ tự tin sẽ có những suy nghĩ tích cực, khả năng phát triển tư duy cao và dễ dàng thành công hơn những bạn nhỏ rụt rè, nhút nhát.
Tuy nhiên sau một mùa giãn cách kéo dài, việc xa trường lớp bạn bè quá lâu cộng với không được vui chơi ở môi trường bên ngoài khiến bé có xu hướng thụ động, rụt rè và uể oải hơn khi nghe đến 2 từ “đi học”. Ba mẹ có thể tham khảo các chia sẻ dưới đây của Luật Trẻ Em Thủ Đô để tái tạo guồng máy tự tin cho con trẻ chuẩn bị cho quá trình “bình thường mới” sắp tới nhé.
Mục Lục Bài Viết
Sự tự tin là gì?
Dù rất hay dùng cụm từ này nhưng chưa chắc ai cũng có thể lý giải đầy đủ sự tự tin là gì. Tự tin là tin tưởng vào bản thân, tin vào khả năng và hành động của chính mình. Người tự tin thường không dễ dàng bỏ cuộc. Họ luôn tin vào bản thân, dám theo đuổi và dám đối mặt với thất bại.
Ý nghĩa của sự tự tin đối với trẻ là gì?
Nếu trẻ có thể hiểu rõ sự tự tin là gì và lớn lên với lòng tự tin, những suy nghĩ tích cực về cuộc sống thì trẻ sẽ dễ dàng:
Bộc lộ tiềm năng
Thay vì tâm lý rụt rè khiến con không dám đưa ra quan điểm cá nhân, tự tin sẽ khiến con chủ động tham gia các hoạt động, bộc lộ được tiềm năng, điểm mạnh, yếu của bản thân để hoàn thiện hơn
Làm chủ bản thân
Xây dựng sự tự tin vào bản thân là nhân tố quan trọng để trẻ hình thành tính cách độc lập, tự chủ. Không hiếm những trường hợp các em nhỏ có tính nhút nhát thường bị bắt nạt, không dám lên tiếng và dẫn đến trầm cảm.
Định hướng tương lai
Những đứa trẻ tự tin thể hiện quan điểm, cảm xúc, có khả năng tư duy phản biện sẽ có cơ hội gặt hái được nhiều thành công trong tương lai. Trẻ tự tin sẽ dễ dàng phát huy sở trường, thế mạnh của bản thân ngay từ khi còn nhỏ.
Phương pháp phát triển sự tự tin ở trẻ chuẩn bị cho “bình thường mới”
Dành thời gian giãn cách để lắng nghe và trò chuyện với con
Cuộc sống thường ngày vốn dĩ bận rộn nên các bậc phụ huynh thường ít dành thời gian để lắng nghe những tâm sự của con trẻ. Chính điều này cản trở rất nhiều cho việc xây dựng sự tự tin trong con. Con sẽ cảm thấy mình không được lắng nghe, mình không đủ tốt, không ai ủng hộ mình. Dần dần bé sẽ trở nên rụt rè, nhút nhát.
Mùa giãn cách là thời điểm tuyệt vời để cả nhà xích lại gần nhau. Việc thường xuyên trò chuyện với con, cùng con xem các chương trình truyền hình, cùng con đọc sách, giải bài tập không chỉ giúp gắn kết tâm hồn mà còn là cơ hội để trẻ nói ra những khúc mắc trong lòng, thông qua đó dạy trẻ mạnh dạn tự tin trong giao tiếp.
Kiên trì với sai lầm của con
Với độ tuổi còn quá nhỏ, việc sai sót là điều không thể tránh khỏi và cũng rất dễ hiểu. Một lời chê trách của cha mẹ có thể khiến trẻ trở nên tự ti hoặc thậm chí tổn thương.
Bất kỳ ai cũng cần quá trình để học hỏi, khám phá và rút ra những bài học sau vấp ngã. Thay vì vội vàng chỉ trích mỗi khi con sai phạm, ba mẹ hiện đã có đủ thời gian để cùng con sửa sai, khuyến khích và động viên để tạo động lực cho con phấn đấu tốt hơn.
Thường xuyên khen ngợi con
Dù ở nhà nhưng ba mẹ đừng quên dành những lời khen cho con dù việc làm của bé có thể rất nhỏ nhặt hoặc chẳng hoàn hảo, nhưng sẽ mang lại cho con năng lượng tích cực và tự tin hơn.
Khi con phụ mẹ vào bếp, tự giác ngồi ôn bài, học tiếng Anh tại nhà, tuân theo thời gian biểu của mẹ, ba mẹ có thể đi kèm lời khen là một phần quà nhỏ theo ý thích của con. Chắc chắn con sẽ rất hào hứng đó. Chỉ cần những câu nói nhỏ nhẹ như “Con của mẹ có khiếu lắm” hay “Con của mẹ hôm nay ngoan quá, biết phụ giúp mẹ rồi”, chúng ta đã góp phần xây dựng sự tự tin trong con rất nhiều!
Rèn luyện cho con sự tự lập
Sự bảo bọc quá đà từ gia đình là một trong những nguyên nhân khiến trẻ trở nên nhút nhát, ngại giao tiếp và khó thích nghi với môi trường lạ.
Tận dụng mùa cách li kéo dài, ba mẹ có thể tập cho con các kỹ năng từ đơn giản như kỹ năng tự phục vụ, sắp xếp bàn học ngăn nắp đến các kỹ năng sống phức tạp hơn ví dụ như nấu ăn, phòng vệ, quản lí chi tiêu,…sao cho phù hợp với độ tuổi của con. Ngoài ra, trẻ có thể xem các chương trình dạy kỹ năng sống bổ ích một cách trực quan sinh động trên các ứng dụng như Luật Trẻ Em Thủ Đô để dễ dàng tiếp thu và thực hành.
Giúp trẻ tự tin bằng cách quan sát xem sở thích của con là gì và tôn trọng nó
Mỗi bé đều có những sở thích và năng khiếu đặc biệt của riêng mình. Thay vì áp đặt con phải làm thế này, thế kia, đây là lúc ba mẹ quan sát, lắng nghe để biết con thích gì và sắp xếp thời gian phù hợp để con phát triển toàn diện nhưng đúng theo sở thích.
Nếu trẻ thích chơi đất sét, vẽ tranh hay muốn trang trí phòng riêng theo ý mình, hãy để trẻ được tự do sáng tạo và làm điều mình muốn. Bởi lẽ, đây là lúc trẻ được phát triển cái tôi, tự khẳng định bản thân. Chính điều này sẽ giúp trẻ khám phá, tiếp cận những điều thú vị.
Mỗi bậc phụ huynh đều mong con được phát triển trong môi trường tốt nhất, tự do khám phá và học hỏi được nhiều điều mới lạ trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi rời xa vòng tay bảo bọc của cha mẹ, không phải đứa trẻ nào cũng đủ dũng cảm để bước ra ngoài thế giới rộng lớn kia. Để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình “bình thường mới”, trở lại với môi trường học tập cùng bè bạn, ba mẹ hãy không ngừng thực hiện các phương pháp đơn giản trên để con dần lấy lại sự tự tin nhé.