Cha mẹ nào cũng luôn mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con từ miếng ăn đến giấc ngủ. Tuy nhiên, việc bảo bọc quá mức có thể khiến bé không thích nghi được với môi trường xung quanh, khả năng tự lập thấp và dẫn đến những sai lệch trong nhận thức lẫn hành động. Chính vì vậy ba mẹ cần chú ý giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non, cũng là lứa tuổi vàng để con hình thành các thói quen tốt nhất giúp con hòa nhập, vui chơi với bạn bè và trở thành công dân tuyệt vời trong tương lai. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý 5 nhóm kỹ năng cần thiết cho ba mẹ khi giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non.
Mục Lục Bài Viết
Nhóm giao tiếp ứng xử
Kỹ năng ứng xử
Một trong những kỹ năng sống thiết yếu cần phải được giáo dục cho trẻ mầm non chính là ứng xử đúng cách để tự tin thích nghi với môi trường xung quanh. Ứng xử bao gồm: chào hỏi mọi người, tôn trọng người lớn và nhường nhịn những ai nhỏ tuổi, nói cảm ơn và xin lỗi, cách xử sự đúng mực ở các tình huống.
Kỹ năng giao tiếp
Ở giai đoạn đầu, trẻ thể hiện khả năng giao tiếp bằng tiếng khóc, sử dụng tay chân và biểu cảm để bố mẹ hiểu được cho đến khi biết nói để biểu đạt suy nghĩ. Bố mẹ nên tạo ra môi trường để con giao tiếp hòa đồng với mọi người xung quanh bằng cách khuyến khích con kết bạn và tương tác với mọi người.
Nhóm kỹ năng tự phục vụ
Tự ăn
Dân gian thường lưu truyền rằng: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, vì vậy việcgiáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non nên bắt đầu bằng việc dạy con cách tự ăn ngay từ lúc nhỏ. Khi trẻ đã có thể ngồi vững và biết cách cầm nắm đồ vật, những việc bé cần học tiếp theo bao gồm: thứ nên và không nên ăn, cách tự xúc thức ăn… Khi con đi nhà trẻ, các kỹ năng này cũng được chỉ dẫn nhiều hơn.
Tự chăm sóc bản thân
Trẻ mầm non hoàn toàn có thể tự làm một số việc mà không cần hỗ trợ từ người khác, chẳng hạn như: đánh răng, đi giày, lấy thức ăn và đồ uống, đội mũ khi ra ngoài… Dạy trẻ kỹ năng gấp quần áo cũng là một cách hay để dạy con tính tự lập đồng thời phụ giúp mẹ trong việc dọn dẹp nhà cửa.
Sắp xếp ngăn nắp
Ngăn nắp là đức tính tốt cần phải rèn luyện cho trẻ ngay từ nhỏ. Cha mẹ nên sắp xếp mọi thứ trong nhà gọn gàng, đúng trật tự và yêu cầu mọi thành viên đều phải tuân theo. Để trẻ ý thức hơn về việc ngăn nắp, ba mẹ có thể hướng dẫn con sau khi chơi cần xếp các đồ chơi lại chỗ cũ, quần áo không được vứt lung tung trên sàn nhà…
Nhóm kỹ năng bảo vệ bản thân
Thành thật
Thông thường, trẻ em không biết nói dối nhưng lại học điều này rất nhanh và dễ dàng. Để con không gặp phải các tình huống nguy hiểm, đầu tiên, cha mẹ nên dạy con nói ra suy nghĩ của bản thân, nói thật về các tình huống con gặp phải. Ngoài ra, ba mẹ hãy thường xuyên khen ngợi khi trẻ dũng cảm thừa nhận bản thân phạm lỗi hay nói dối để hạn chế thói quen này ở bé.
Vượt qua trở ngại
Trẻ con có thể tự vượt qua được một số việc khó khăn mà không cần người lớn hỗ trợ. Nếu ba mẹ cứ giúp đỡ mà không để trẻ tự lập, bé sẽ có thói quen ỷ lại, không trưởng thành được. Ví dụ khi con vấp ngã, hãy động viên trẻ tự đứng lên. Khi con có xích mích với bạn, việc không nên làm chính là vội vàng bênh vực trẻ. Ba mẹ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân, dạy trẻ nói ra cảm xúc và gợi ý cách làm đúng để giải quyết vấn đề.
Phòng tránh nguy hiểm
Trong xã hội phức tạp như hiện nay thì dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân là vô cùng cần thiết. Một vài điều ba mẹ cần lưu ý bao gồm dạy trẻ không nên đi theo hay nhận bất kỳ vật gì từ người lạ, hoặc tránh xa những khu vực, con vật, đồ vật… có thể gây nguy hiểm.
Kỹ năng làm việc nhóm
Chúng ta không thể tự sống một mình trong thế giới rộng lớn này, vì thế bố mẹ cần rèn kỹ năng làm việc nhóm cho con từ sớm, cũng là một trong những kỹ năng quan trọng của chương trình giáo dục STEM đang được áp dụng tại các trường mầm non hiện nay. Đây là nền tảng theo con trong suốt cuộc đời. Khi còn nhỏ, con phải tự lập nhóm học tập và chơi đùa với bạn cùng lứa, khi lớn lên đi làm thì con cần phải hòa nhập với đồng nghiệp trong công ty để làm việc tốt, chưa kể phải biết quản lý các mối quan hệ với người thân xung quanh.
Ba mẹ nên giúp cho con hiểu rằng hành động của mình sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người khác. Đồng thời dạy con cách bình tĩnh xử lý tình huống khi bị người khác tác động. Phụ huynh không nên xử lý mọi chuyện cho con mà hãy tạo ra các tình huống để con tự tin hợp tác với mọi người khi bước ra đời.
Nhóm kỹ năng quản lý
Quản lý thời gian
Ba mẹ đừng xem đây là việc gì quá to tát. Hãy bắt đầu từ việc dạy con đặt mục tiêu và kiên trì quyết tâm thực hiện mục tiêu đúng hạn. Tạo thói quen quản lý thời gian giúp cuộc sống của con trở nên bài bản và có kế hoạch hơn. Một số công việc bố mẹ có làm để giúp con học được kỹ năng quản lý thời gian đó là đưa ra những quy định về chơi đùa, xem tivi điện thoại hay lúc ăn cơm…
Chi tiêu hợp lý
Ba mẹ hãy lồng ghép các bài học về giá trị lao động và chi tiêu để con biết cách tiêu tiền phù hợp và quý trọng sức lao động. Nếu bố mẹ bỏ qua kỹ năng này mà giúp con làm hết mọi chuyện thì con sẽ không thể nào tự phát huy hết khả năng của mình và dần trở nên thụ động trong mọi việc.
5 nhóm kỹ năng này có thể không phải là tất cả nhưng chính là nền tảng hỗ trợ bé ngày một trưởng thành hơn trong quá trình trở thành một công dân có ích cho xã hội. Ba mẹ hãy lưu lại và lên kế hoạch giáo dục kỹ năng sống cho con trẻ trong lứa tuổi mầm non ngay từ bây giờ nhé.