Có nên dạy bé viết chữ từ sớm không? Nên dạy trẻ học viết chữ lúc mấy tuổi là phù hợp nhất? Luyện viết chữ tại nhà cho bé như thế nào? Có những phương pháp nào giúp bé viết chữ được đẹp và đúng chuẩn?… Đây là những câu hỏi muôn thuở khiến hầu hết các bậc phụ huynh phải đau đầu suy nghĩ khi có con nhỏ sắp bước vào lớp 1. Đừng lo lắng, trong bài viết dưới đây Luật Trẻ Em Thủ Đô sẽ giải đáp toàn bộ những thắc mắc trên, mời phụ huynh tham khảo!
Mục Lục Bài Viết
Khi nào thì nên dạy trẻ viết chữ?
Hiện nay, có rất nhiều phụ huynh bắt đầu dạy bé tập viết chữ từ lúc còn học mẫu giáo hoặc cho con đi luyện viết chữ từ rất sớm. Tuy nhiên, ba mẹ nên lưu ý rằng trẻ em vốn như một tờ giấy trắng, bởi vậy hãy để cho tuổi thơ của các con có những kí ức thật đẹp, không nên ép buộc quá sớm vì trẻ dưới 4 tuổi là độ tuổi quá sớm để cầm bút gò viết từng con chữ.
Không chỉ vậy, đối với những bé chưa lên lớp mẫu giáo lớn (lớp 5 tuổi) thì tay các con còn khá yếu, nhanh mỏi, dễ tạo cảm giác chán nản dẫn đến tư tưởng lười viết chữ sau này. Ở độ tuổi mẫu giáo, các chuyên gia khuyến khích ba mẹ chỉ nên cho các con mình tập đếm, tập đọc, dạy con làm toán hoặc làm quen với tiếng Anh. Việc tập viết cho bé 4 tuổi là chưa thực sự cần thiết. Hãy chờ bé học xong lớp lá và dạy bé viết trước 3 tháng trước khi bước vào lớp 1 là hợp lý nhất.
Cách dạy cầm bút và tư thế ngồi đúng chuẩn khi dạy bé viết chữ
Dạy trẻ cách cầm bút
Trước khi dạy con viết chữ, phụ huynh hãy dạy trẻ cầm bút đúng cách. Khi mới tập viết, bé có thể bị đau tay hoặc tay ra nhiều mồ hôi, điều này là hết sức bình thường vì bé chưa kiểm soát được lực cầm bút. Do vậy, việc hướng dẫn con cầm bút đúng cách ngay từ đầu có thể giảm thiểu tối đa tình trạng này xảy ra.
Để dạy bé cách cầm bút đúng, ba mẹ làm theo các hướng dẫn sau:
- Cầm bút bằng 3 ngón tay: cầm bút bằng 3 ngón tay là ngón trỏ, ngón cái và ngón giữa. Đầu ngón trỏ cách đầu ngòi bút tầm 2 cm. Bút nên cầm với lực vừa phải, không chặt quá hoặc lỏng quá. Ngón cái và ngón trỏ dùng để cố định thân bút, ngón giữa dùng để đỡ bút.
- Độ nghiêng của bút: cầm bút xuôi theo chiều ngồi của bé, cổ tay thẳng. Khi viết, bút hơi nghiêng so với mặt giấy khoảng 45 độ.
- Cách đặt vở: để vở ngay ngắn trước mặt bé nếu viết chữ đứng, nếu viết chữ nghiêng thì chếch một góc khoảng 150 độ so với mặt bàn.
- Điều khiển bút: khi tập bé viết chữ cái, hãy cho bé cầm bằng các cơ cổ tay và các ngón tay. Đưa bút theo chiều trái sang phải, từ trên xuống dưới. Không nhấn hay tỳ mạnh đầu bút vào mặt giấy. Đồng thời, cổ tay và cánh tay phải phối hợp di chuyển bút nhẹ nhàng theo chiều ngang.
Dạy con cách rê bút
Khi mới tập bé viết chữ, các con thường có xu hướng rê bút bị quá tay vì không kiểm soát được lực cổ tay khiến tình trạng thừa nét sẽ thường xuyên xảy ra. Bởi vậy, ba mẹ cần phải lưu ý và nhắc nhở bé chú ý phần này.
Rê bút tức là hành động lướt nhẹ đầu bút khi viết và vẫn đảm bảo chạm vào mặt giấy. Nói một cách dễ hiểu đây là cách viết liền mạch, không được nhấc đầu bút lên khi viết.
Cách rê bút đúng: có thể bé đã được học cách cầm bút màu khi còn học mẫu giáo. Tuy nhiên, với bút chì hoặc bút máy, ba mẹ hãy kiên nhẫn hướng dẫn con rê bút với lực tay phù hợp. Lý do là vì bút máy, bút chì có trọng lượng và kích thước khác rất nhiều so với với bút màu.
Dạy con cách lia bút
Lia bút có nghĩa là dịch chuyển đầu bút từ điểm này sang điểm khác. Khi đó, bé cần cần nhấc bút lên, tạo một khoảng cách nhất định với mặt giấy trước khi hạ bút để viết đường tiếp theo.
Cách lia bút đúng: ba mẹ có thể cầm tay hướng dẫn bé cách nhấc nhẹ đầu bút để con quen với việc không nhấc cả cổ tay. Sau khi đã quen, hãy để bé tự lia bút và điều chỉnh dần dần.
Tư thế ngồi chuẩn
Tư thế ngồi viết đúng sẽ giúp các bé thoải mái hơn khi tập viết, ngồi lâu không bị mỏi cổ, mỏi vai. Nhất là bảo vệ phần cột sống và thị lực, tránh tình trạng cong vẹo cột sống hoặc bị cận thị do sai tư thế. Dưới đây là các bước hướng dẫn cho bé có một tư thế ngồi đúng:
- Tư thế ngồi đúng: ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, không được tì ngực vào bàn. Vai thăng bằng, đầu hơi cúi và nghiêng sang trái một chút, mắt cách vở khoảng 25 – 30 cm đến 30cm. Bé cầm bút tay bằng phải, tay trái tì nhẹ lên mép vở để giữ trang viết không bị xê dịch, hai chân để song song thoải mái.
- Mặt bàn rộng rãi: để có thể ngồi đúng,ba mẹ cũng cần quan tâm đến chiếc bàn học của con. Mặt bàn gọn gàng, thoáng rộng để bé có thể ngồi thoải mái, không bị vướng víu hay gò bó.
- Chiều cao của bé khi ngồi: ba mẹ nên lựa chọn bàn học hoặc điều chỉnh độ cao của bàn phù hợp với chiều cao của bé. Khi ngồi, chú ý phần ngực của con ngang với mặt bàn là hợp lý, phần khuỷu tay để vuông góc với mặt bàn.
>>> Ngoài ra, các phụ huynh có con trong độ tuổi từ 5 – 7 tuổi cũng phải đối mặt với vấn đề bé không nhớ mặt chữ. Vì thế, để chuẩn bị tốt tâm lý cũng như nắm được những cách dạy trẻ nhớ mặt chữ hiệu quả thì không thể bỏ qua bài viết “Cần làm gì để cải thiện tình trạng bé không nhớ mặt chữ”.
Cách dạy bé tập viết chữ theo trình tự đơn giản mà hiệu quả
Dạy trẻ viết các nét cơ bản
Dạy bé 5 tuổi tập viết tại nhà bằng các nét cơ bản không chỉ là bước đệm cho giúp các con nhanh tiếp thu hơn khi đến lớp mà còn có rất nhiều lợi ích như:
- Rèn luyện khả năng luyện viết vở sạch, chữ đẹp
- Bé có thêm kiến thức và nắm được cách viết đúng chữ cái tiếng Việt
- Các nét cơ bản là nền tảng để bé học những chữ phức tạp hơn sau này
- Các nét chữ cơ bản trong tiếng việt giống đến 80% so với chữ cái tiếng Anh nên nếu học viết thêm chữ cái tiếng Anh sẽ dễ dàng và tiết kiệm được thời gian dạy học của ba mẹ.
- Chăm chỉ rèn luyện các nét cơ bản mỗi ngày sẽ giúp bé dễ dàng ghi nhớ và cải thiện khả năng cầm bút.
Dưới đây là hướng dẫn cách viết các nét cơ bản để ba mẹ dạy trẻ 5 tuổi viết chữ:
Nét thẳng
Đây là một trong những nét cơ bản của lớp 1 và cũng là nét đầu tiên mà bé được làm quen khi học viết tiếng Việt. Nét thẳng là đường thẳng kéo từ trên xuống dưới hoặc ngược lại kéo từ dưới lên trên. Vì không có sử dụng quá nhiều kỹ thuật hay kỹ năng nên nét thằng là nét đơn giản và dễ viết nhất.
Để bé có thể tập viết chữ đẹp hơn với các nét thẳng được ngay ngắn và hoàn chỉnh thì ba mẹ hãy hướng dẫn bé cầm bút chắc chắn bằng 3 ngón tay (như đã hướng dẫn ở trên).
Nét ngang
Nét ngang trong tiếng Việt là nét có độ rộng được đo bằng 2 ô li, viết đúng là đưa bút theo chiều từ trái sang phải.
Cách viết: Đặt bút tại đường kẻ ngang số 2, tiếp đó kéo một đường thẳng liền mạch từ trái qua phải, rộng 2 ô li.
Nét xiên
Nét xiên trái: có chiều cao 2 ô li và chiều rộng 1 ô li.
Cách viết: Đặt bút ở dòng kẻ thứ 3 và kéo một đường xiên thẳng từ phải sang trái → dừng bút tại đường kẻ đậm.
Nét xiên phải: ngược với nét xiên trái.
Cách viết: tương tự như nét xiên trái, chỉ cần bé đổi hướng ngược lại, kéo một nét xiên từ trái sang phải → dừng bút tại đường kẻ đậm là được.
Nét móc
Nét móc có chiều cao 2 ô li, chiều rộng 1 ô li gồm 2 loại:
- Nét móc ngược: tại điểm đặt bút kéo một đường thẳng dọc theo đường kẻ đứng → chạm đường kẻ ngang thứ nhất tại điểm uốn cong → đưa chéo lên kết thúc tại điểm dừng bút.
- Nét móc xuôi: tại điểm đặt bút đưa chéo lên chạm đường kẻ ngang thứ 3 tại điểm uốn cong → chạm đường kẻ đứng viết 1 nét thẳng dọc theo đường kẻ đứng → kết thúc tại điểm dừng bút.
Nét cong
Nét cong phải có chiều cao 2 ô li, rộng gần 2 ô li
Cách viết như sau: Đặt bút dưới dòng kẻ thứ 3 → đưa nét cong về bên phải → lượn cong lưng chạm vào đường kẻ đứng → chạm vào đường kẻ thứ nhất và kết thúc ở giữa ô.
Nét cong trái tương tự nét cong phải, cách viết ngược lại so với nét cong phải.
Dạy bé cách xác định điểm đặt bút và điểm dừng bút
Sau khi bé đã nắm được các nét cơ bản, ba mẹ hãy hướng dẫn để bé hiểu về điểm đặt bút và điểm dừng bút. Việc này giúp cho việc nối các nét thành chữ cái sẽ dễ dàng hơn, nhất là khi dạy bé viết chữ nét thanh nét đậm.
- Điểm đặt bút: là điểm bắt đầu khi bé viết một nét trong một chữ cái.
- Điểm dừng bút: là vị trí kết thúc của nét chữ, thông thường điểm kết thúc ở 1/2 ô li.
Lưu ý: trường hợp ngoại lệ là các chữ o, ô, ơ được cấu tạo từ nét cong tròn khép kín nên điểm đặt bút sẽ trùng khớp với điểm dừng bút.
Dạy bé viết theo từng nhóm chữ cụ thể
Nhóm 1: Gồm 8 chữ cái i, u, ư, t, n, m, v, r
Đặc điểm cơ bản:
- Đa số các chữ cái ở nhóm này đều có chiều cao 1 đơn vị ( 1 ô li), chỉ riêng chữ t cao 1,5 đơn vị. Bề rộng cơ bản của chữ là 3/4 đơn vị, riêng chữ m rộng 1,5 đơn vị.
- Các chữ nhóm 1 được cấu tạo từ các nét móc (móc xuôi, móc ngược và móc hai đầu). Khi luyện viết nhóm chữ này, ba mẹ nhớ nhắc bé chú ý hai nét móc xuôi và móc hai đầu vì chúng khó viết hơn nét móc ngược.
- 4 chữ cái n, m, v, r cần được luyện tập nhiều hơn để nét viết trở nên mềm mại và đẹp mắt.
Các lỗi dễ mắc:
- Nét móc thường bị đổ nghiêng
- Phần đầu hoặc cuối nét móc hơi bị choãi ra.
- Dễ biến dạng hình chữ, nhất là chữ m, v, r
Cách khắc phục: bé nên luyện viết thật tốt nét móc, khi viết chú ý điểm đặt bút, điểm dừng bút, độ cao và độ rộng của mỗi nét để chữ viết được cân đối hơn.
Nhóm 2: Gồm 6 chữ cái l, b, h, k, y, p
Đặc điểm cơ bản:
- Các chữ cái ở nhóm này đa số có chiều cao 2,5 đơn vị, riêng chữ cái p cao 2 đơn vị, bề rộng cơ bản của chữ là 3/4 đơn vị.
- Về cấu tạo, chữ cái trong nhóm này bao gồm nét khuyết (khuyết xuôi, khuyết ngược), có những điểm gần giống với chữ cái ở nhóm 1 (VD: nửa dưới của chữ h giống chữ n)
- Khi luyện viết chữ cho bé, ba mẹ nhớ chú ý 2 nét khuyết xuôi và khuyết ngược, tập trung luyện viết nhuần nhuyễn 4 chữ cái l, b, h, k
Các lỗi dễ mắc:
- Viết sai điểm giao nhau của nét khuyết
- Chữ viết tiếng Việt chưa thẳng, đặc biệt là chữ có nét khuyết ngược như chữ y, dễ bị nghiêng hoặc khó kết hợp nét chữ như chữ k.
Cách khắc phục: Trước tiên, cho bé luyện viết nét khuyết cơ bản theo mẫu, chú ý luyện viết các chữ được phối hợp giữa 2, 3 nét cơ bản (như b, h, k,…), giữ vững đầu bút để điều khiển bút chính xác, không bị run tay.
Nhóm 3: Gồm 15 chữ cái: o, ô, ơ, a, ă, â, d, đ, q, g, c, x, e, ê, s
Đặc điểm cơ bản:
- Các chữ cái ở nhóm này có 3 loại độ cao khác nhau nhưng đại đa số vẫn là các chữ cái có chiều cao 1 đơn vị (10/15 chữ), các chữ cái d, đ, q cao 2 đơn vị, chữ cái g cao 2,5 đơn vị, riêng chữ s cao 1,25 đơn vị.
- Bề rộng của hầu hết các chữ cái trong nhóm 3 là 3/4 đơn vị, riêng chữ s rộng 1 đơn vị, chữ x rộng 1,5 đơn vị.
- Nhóm chữ này được cấu tạo bởi các nét cong kín (chữ o, ô, ơ) cong hở. Các nét cong hở xuất hiện ở 10 chữ cái tạo sự liên hệ gần gũi về hình dạng giữa các chữ.
- Muốn luyện viết đẹp các chữ cái ở nhóm này, bé phải tập trung luyện viết thật tốt chữ o. Sau đó từ chữ o chuyển sang viết các chữ ô, ơ, a, ă, â, d, đ, q, g.
Các lỗi dễ mắc: viết chữ o không tròn đều, bị méo mó.
Cách khắc phục: Để viết được đúng và đẹp nhóm chữ này, bắt đầu từ chữ o đúng bằng cách chấm 4 điểm vuông góc đều nhau như điểm giữa 4 cạnh của một hình chữ nhật. Từ điểm đặt bút của con chữ o, bé viết một nét cong tròn đều đi qua 4 chấm thì sẽ viết được chữ o tròn đều và đẹp.
Dạy bé tập viết chữ in hoa
Dựa vào các nét chữ đồng dạng, chữ cái viết hoa được chia thành các nhóm như sau:
- Nhóm 1: A Ă Â N M
- Nhóm 2: P B R D D
- Nhóm 3: C G S L E Ê T
- Nhóm 4: I K V H K V H
- Nhóm 5: O Ô Ơ Q
- Nhóm 6: U Ư Y X
Tương tự như dạy bé viết chữ thường, khi dạy bé viết chữ in hoa, ba mẹ cũng cần chú ý phân tích kĩ chữ đầu tiên trong nhóm. Tập viết thật kĩ chữ đầu tiên của nhóm cho thật chuẩn, từ đó bé mới có thể tự rèn các chữ còn lại đẹp mắt hơn.
Một số mẹo giúp trẻ thích thú luyện viết chữ hơn
Giai đoạn bé học viết chữ cũng là lúc con phải chuyển từ môi trường mầm non sang trường Tiểu học nên bé còn cảm thấy bỡ ngỡ, dễ chán nản trong việc tập làm quen với tính toán cũng như luyện viết. Ba mẹ sẽ thấy bé sẽ có dấu hiệu né tránh như: “đánh trống lảng” sang việc khác, tăng động quá mức, không tập trung…
Nếu gặp phải trường hợp này, ba mẹ hãy tham khảo và áp dụng một số lời khuyên dưới đây để khơi gợi hứng thú khi dạy bé viết chữ:
- Tặng thưởng: mỗi khi bé viết đẹp, viết đúng hoặc hoàn thiện bài tập được giao, ba mẹ đừng quên dành tặng con những lời khen, lời động viên kịp thời hoặc một món quà nhỏ như bánh kẹo, đồ chơi hoặc cho đi bơi, đi chơi với bạn,..
- Kiên nhẫn, khuyên nhủ con: tuyệt đối không nên quát mắng hoặc đánh con trẻ. Ba mẹ cần kiên nhẫn nói chuyện với bé về các vấn đề, khó khăn đang gặp phải để cho con lời khuyên đúng đắn nhất. Điều này sẽ giúp bé không cảm thấy sợ hãi trong quá trình học viết chữ ở nhà.
- Tạo hứng khởi: cùng bé hát một bài trước khi học, vừa học vừa chơi trò chơi liên quan đến chữ cái, nghỉ giải lao sau mỗi 15 phút luyện viết,… là một trong những cách giúp bé thư giãn, giải tỏa stress tốt nhất.
- Đồ dùng học tập đáng yêu: để không gian học tập trở nên thú vị hơn, ba mẹ hãy cho bé tự trang trí góc học tập của mình với những món đồ dùng ngộ nghĩnh, màu sắc theo ý thích của bé. Đặc biệt hãy để bé tự chọn mua quyển vở ô li và chiếc bút có các nhân vật ngộ nghĩnh mà bé yêu thích để tăng sự hào hứng khi ngồi vào bàn học.
Dạy bé viết chữ, nhất là dạy cho những bé sắp bước vào lớp một quả là việc không hề dễ dàng. Hy vọng những phương pháp dạy bé tập viết trên đây của Luật Trẻ Em Thủ Đô sẽ phần nào giúp ba mẹ sẽ tự tin hơn trong việc chuẩn bị hành trang vững chắc cho bé bước vào Tiểu học. Đừng quên đồng hành cùng bé trong suốt chặng đường “luyện nét chữ – rèn nết người” ba mẹ nhé!