Ba mẹ có biết rằng dạy bé màu sắc từ sớm thì khi lớn lên các con sẽ sở hữu khả năng quan sát tinh tế và có một đời sống tình cảm phong phú? Không chỉ vậy, việc dạy bé nhận biết màu sắc cũng là bài học đầu đời quan trọng đối với mỗi đứa trẻ vì nó sẽ đóng góp rất lớn đến quá trình phát triển của các bé sau này. Vậy dạy bé biết màu sắc như thế nào cho đúng cách? Bé mấy tuổi thì ba mẹ có thể dạy trẻ màu sắc? Thông qua bài viết này, phụ huynh sẽ biết được các phương pháp dạy màu sắc cho bé một cách sáng tạo.
Mục Lục Bài Viết
“Sự thật” thú vị về học màu sắc ở trẻ nhỏ
Khi bé được thỏa sức vui chơi và tha hồ sáng tạo với những gam màu khác nhau sẽ mang lại rất nhiều lợi ích như:
Kích thích sự sáng tạo
Việc dạy trẻ tô màu hay vẽ tranh sẽ giúp các con thể hiện được sự sáng tạo không giới hạn của mình. Vì thế, trong quá trình dạy, ba mẹ hãy cứ để các bé tự nhiên sử dụng gam màu bé thích để tô nên thế giới đầy màu sắc của riêng bé nhé.
Nâng cao khả năng quan sát
Có thể ba mẹ không biết rằng những nét vẽ và cách phối màu sắc “không giống ai” được bé thể hiện trong bức tranh lại là “tấm gương” phản chiếu lại thế giới xung quanh thông qua sự ghi nhớ và nhận thức của bé. Đây cũng chính là cách mà trẻ thể hiện khả năng quan sát các sự vật, hiện tượng hằng ngày dưới góc nhìn của riêng mình.
Phát triển kỹ năng vận động
Việc dạy bé màu sắc qua những hoạt động như vẽ, tô màu cũng góp phần phát triển kỹ năng vận động thông qua việc cầm cọ, cầm bút chì, bút màu vẽ nguệch ngoạc hay tô màu với bút sáp,…
Rèn luyện trí nhớ
Dạy bé dùng màu sắc để phân biệt các sự vật, hiện tượng chính là một phương pháp để rèn luyện trí nhớ cho các bé. Màu sắc không chỉ giúp trẻ rèn luyện thị giác, tăng khả năng quan sát mọi thứ xung quanh mà còn làm phong phú hơn thế giới quan của con.
Phát triển ngôn ngữ
Dạy trẻ cách giới thiệu, nói tên các màu sắc sẽ làm trẻ phát triển vốn từ vựng và cải thiện khả năng giao tiếp.
Khi nào ba mẹ nên dạy bé nhận biết màu sắc?
Các em nhỏ luôn hứng thú với việc tò mò, tìm hiểu mọi thứ xung quanh thông qua việc quan sát. Trong 1 năm đầu đời, các bé sẽ thường chỉ chú ý đến những màu sắc tương phản mạnh như trắng – đen, đỏ – đen,… Từ 18 tháng tuổi trở đi, bé sẽ phân biệt được khá nhiều màu sắc khác nhau nhưng không biết gọi tên và không biết cách nhận biết màu sắc cho bé. Khi bé lên 3 tuổi – lứa tuổi bắt đầu đi mẫu giáo thì con mới có thể gọi chính xác tên của các màu sắc. Và từ 3 tuổi rưỡi trở lên, trẻ mới nhận biết và phân biệt được nhiều màu sắc một cách tốt nhất.
Nếu ba mẹ dạy bé nhận biết màu sắc quá sớm so với khả năng nhận biết của con thì sẽ mất rất nhiều thời gian để bé có thể gọi tên đúng màu sắc. Đó là chưa kể việc ép trẻ học mỗi ngày mà không đem lại hiệu quả thì sẽ tạo áp lực cho cả phụ huynh lẫn con trẻ. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng không nên chờ bé vào mẫu giáo rồi mới bắt đầu dạy màu sắc bởi nó sẽ làm giảm khả năng quan sát nhạy bén và tinh tế của các giác quan.
Vì vậy, Luật Trẻ Em Thủ Đô khuyên ba mẹ nên dạy bé màu sắc từ năm lên 2, tức là lứa tuổi bé sắp bước vào mẫu giáo và đã biết cách nhận biết các loại màu sắc. Đây cũng là giai đoạn mà bé mới tập nói bập bẹ nhưng đã có khả năng nghe – hiểu và dùng tay chỉ vào đồ vật. Dạy bé 2 tuổi nhận biết màu sắc cũng là bước đệm giúp bé nắm vững các kiến thức cơ bản về màu sắc, là tiền đề vững chắc cho con bước vào lớp mẫu giáo bé.
Các nguyên tắc khi dạy bé học màu sắc
Để dạy bé màu sắc hiệu quả, ba mẹ cần nắm rõ 3 nguyên tắc cơ bản về danh sách màu:
- Thứ nhất, phụ huynh hãy cho bé làm quen những gam màu chính trước. Gam màu chính gồm: đỏ, vàng, xanh lam, đen. Sau khi bé đã nắm vững, ba mẹ hãy dạy tiếp những màu phụ như: da cam, tím, xanh lá cây.
- Thứ hai, giúp bé ghi nhớ bằng cách lặp đi lặp lại tên các màu sắc, nhắc đi nhắc lại hàng ngày, tốt nhất mỗi màu sắc hãy đi kèm với tên một đồ vật, con vật,… đi kèm.
- Thứ ba, khi dạy từng màu riêng lẻ, ba mẹ hãy dạy một cách chậm rãi kèm ví dụ minh họa để bé kịp tiếp thu.
Ví dụ: khi dạy về màu xanh lá cây, ba mẹ hãy cho con nắm vững kiến thức của các màu chính trước. Sau đó giới thiệu về cách pha màu xanh lá cây từ 2 gam màu chính đó là màu vàng và màu xanh lam. Để bé ghi nhớ và phân biệt được màu xanh lá cây, phụ huynh hãy đặt các câu hỏi như “lá cây có màu gì con nhỉ?” hoặc “tô màu thảm cỏ con sẽ dùng màu gì?”,…
Có thể dạy bé nhận biết màu sắc bằng những cách nào?
Dưới đây là một số cách mà ba mẹ có thể tham khảo khi dạy bé nhận biết màu sắc:
Dạy bé nhận biết màu sắc qua tranh ảnh
Với cách này, ba mẹ hãy tìm một bức tranh đơn sắc với các hình dáng ngộ nghĩnh, chủ đề phù hợp với lứa tuổi của bé và dán lên tường. Đó có thể là hình một chú chó con, một bông hoa hay hình ảnh ông mặt trời đang cười,… Ba mẹ có thể kết hợp việc dạy bé màu sắc với kể chuyện hoặc hát một bài hát liên quan. Những câu chuyện hay bài hát sẽ giúp con thêm hứng thú với việc học và tiếp thu được cách phân biệt màu sắc tốt hơn.
Dạy bé học cách nhận biết màu sắc qua trò chơi
Khi có thời gian rảnh, ba mẹ hãy cùng bé chơi trò chơi thú vị tên là “mỗi tuần một sắc màu”. Với trò chơi đơn giản này, mỗi tuần bé sẽ học và ghi nhớ một màu sắc cụ thể.
Ở tuần đầu tiên, vẫn là nguyên tắc dạy bé các màu cơ bản. Ba mẹ có thể bắt đầu với màu vàng, hãy cố gắng cho bé quan sát, sờ, chạm trực tiếp với những đồ vật có màu vàng nhiều nhất. Ví dụ, ba mẹ có thể cho bé mặc áo màu vàng, giày dép vàng, balo vàng,… Hoặc có thể lấy những món đồ chơi của bé có màu vàng như: quả bóng, mảnh xếp hình màu vàng,… Nhắc đi nhắc lại màu vàng kèm đồ vật sẽ là phương pháp giúp bé nhớ màu vô cùng hiệu quả. Phụ huynh chỉ cần làm cho bé tập trung, nói thật chậm rãi để bé kịp tiếp thu và kịp ghi nhớ mỗi khi học phân biệt màu sắc.
Dạy bé phân biệt màu sắc qua món ăn
Ba mẹ hãy để ý những món ăn và loại trái cây mà con thích. Theo đó, mỗi lần cho bé ăn, mẹ hãy chỉ cho con biết quả đó tên gì, có màu gì, phân biệt màu sắc lúc quả đó xanh và chín. Mỗi khi trò chuyện hoặc chơi cùng với bé, ba mẹ hãy gợi lại ký ức về món ăn hoặc loại quả bé thích. Một số loại trái cây thông dụng ba mẹ có thể cho bé ăn và dạy bé như: chuối, dâu, đu đủ, dưa hấu,…
Chơi chọn quần áo
Chọn và phối đồ cho búp bê là trò chơi yêu thích của các bé gái. Bởi vậy, mẹ có thể linh hoạt kết hợp sở thích này với việc dạy trẻ nhận biết màu sắc khác nhau.
Để vừa học vừa chơi hiệu quả, mẹ hãy cho bé tự chọn quần áo mặc cho búp bê rồi khen ngợi và đặt các câu hỏi như: “Chiếc áo này đẹp quá, con có biết chiếc áo búp bê mặc có màu gì không?”. Nếu trẻ nhận ra và trả lời chính xác, mẹ hãy khuyến khích con lấy thêm một món phụ kiện khác cùng màu. Ngược lại, nếu bé trả lời sai, mẹ hãy sửa lại cho bé. Bên cạnh đó, khi dạy con màu sắc thì các bậc phụ huynh cũng nên miêu tả màu sắc càng đơn giản càng tốt, chẳng hạn như màu đỏ, không cần thiết phải đỏ tươi hay đỏ gạch,…
Tô màu cùng nhau
Dù bận rộn đến đâu thì ba mẹ cũng nên cố gắng dành một chút thời gian mỗi ngày để chơi cùng con. Trong đó, tô màu là ý tưởng tuyệt vời để vừa chơi vừa học. Trước khi bắt đầu, ba mẹ hãy chuẩn bị các bức tranh in hình sẵn cho bé, sau đó chọn khoảng 4 – 6 màu nhất định. Khi cùng trẻ tô màu lên giấy, phụ huynh hãy giới thiệu tên gọi và giải thích tại sao đồ vật, hiện tượng này lại chỉ được tô màu đó.
Hát lên nào
Ngoài các hoạt động vui chơi thì sử dụng âm nhạc là cách giúp con học cách nhận biết màu sắc hiệu quả nhất. Các bài hát về màu sắc như: “dạy bé học màu sắc tiếng Việt”, “Đỏ, Vàng, Xanh lá, Da trời. Bạn thích màu nào?”,… có giai điệu dễ nghe và phần lời bài hát ngắn gọn sẽ giúp bé ghi nhớ được các màu sắc tốt hơn.
So sánh đối tượng giống nhau với các màu khác nhau
Giới thiệu đa dạng các đồ vật là một phương pháp đúng đắn để dạy bé nhận biết màu sắc cũng như học được sự khác biệt giữa chúng. Ba mẹ hãy tạo cho bé so sánh các đồ vật giống nhau nhưng có màu sắc khác nhau. Ví dụ như 3 quả bóng với 3 màu xanh, đỏ và vàng. Quan sát sự khác biệt giữa màu sắc sẽ giúp con bạn xác định rõ hơn đồ vật và tên gọi của chúng.
Có thể nói, dạy bé màu sắc cũng là một kỹ năng vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong những năm tháng đầu đời của con. Ba mẹ chỉ cần chú ý đến sở thích, giai đoạn trẻ có thể phân biệt được màu sắc, chuẩn bị các dụng cụ học tập, phần còn lại, hãy để con trẻ tự khám phá tùy thuộc vào khả năng của mỗi mình. Đừng ép trẻ ba mẹ nhé, vì việc ép buộc chỉ khiến bé sợ hãi và không có hứng thú học mà thôi.