Ba mẹ đã từng nghĩ đến việc dẫn con vào bếp để dạy bé làm bánh chưa? Cho trẻ làm quen sớm với các nguyên liệu quen thuộc như bột mì, đường, bơ, vani cũng chính là một phương pháp học tập tuyệt vời mà ít ai biết. Bởi vậy, gạt qua những định kiến cho rằng việc cho trẻ nhỏ vào bếp hoặc dạy trẻ làm bánh là quá nguy hiểm thì việc dạy bé làm bánh đúng cách sẽ giúp con biết cách yêu thương và quan tâm đến gia đình nhiều hơn đấy.
Mục Lục Bài Viết
Tại sao nên cho bé học làm bánh từ sớm?
Việc bé có thể tự tay làm ra một món bánh chắc chắn sẽ khiến ba mẹ cảm thấy tự hào. Đặc biệt là đối với các bé với tâm hồn non nớt sẽ còn sẽ vui sướng biết bao nhiêu khi có thể tự mình nhào nặn nên một chiếc bánh và nhận được lời khen của mọi người trong gia đình. Học làm bánh cũng sẽ rèn luyện cho trẻ sự bình tĩnh, kiên trì trong cách ứng xử, đây sẽ là mấu chốt để tạo nên một nhân cách tốt cho bé về sau.
Không chỉ vậy, theo các chuyên gia một em bé yêu thích việc vào bếp làm bánh sẽ có xu hướng gắn bó và quan tâm nhiều hơn đến gia đình mình. Bé học làm bánh sớm sẽ mang lại cảm giác được ba mẹ chăm sóc và có những kỉ niệm đẹp bên gia đình của mình.
Dạy trẻ mầm non làm bánh cũng là cách giúp bé phát triển rất nhiều kỹ năng mềm cần thiết như: khả năng sáng tạo (thông qua việc tự chọn nguyên liệu), tự tay trang trí bánh; rèn luyện tính kiên nhẫn (từ việc nhào bột, tạo hình, chờ đợi bánh ra lò),…Đặc biệt, thông qua việc dạy trẻ làm bánh, biết đâu ba mẹ có thể khám phá ra những năng khiếu về làm bánh, nấu nướng tiềm ẩn của bé.
6 món bánh đơn giản để dạy bé trổ tài làm bánh
Bánh quy thơm giòn nhiều hình thù ngộ nghĩnh
Nguyên liệu:
- Bột mì số 13: 1 bát
- Ngũ cốc dành cho bé: 1 bát
- Dầu ăn: 3 thìa cà phê nhỏ
- Nước đã đun sôi và để nguội: lượng vừa phải
Cách làm:
- Trộn bột mì và ngũ cốc vào tô lớn, cho chút dầu ăn vào và đảo đều.
- Thêm nước vào từ từ, nên nhắm chừng mực nước sao cho hỗn hợp bột không bị khô và không nhão quá. Bột đạt yêu cầu là bột có độ dẻo, mịn.
- Phủ nhẹ lớp bột mỏng xung quanh cây cán bột, sau đói cán khối bột ra với độ dày khoảng 1,5 cm. Nhúng khuôn cắt vào bát bột và lắc nhẹ tay cho bột dư rơi ra và ấn mạnh khuôn để tạo hình cho bánh.
- Bật lò nướng ở nhiệt độ 175ºC trước 5 phút. Sau đó phủ giấy chống dính và xếp bột lên khay bánh.
- Nướng đến khi bánh chín vàng đều. Kiểm tra bánh chín bằng cách lấy ra và nhấc thử bánh lên. Nếu bánh được nhấc lên một cách dễ dàng, không bị dính vào giấy là bánh đã chín.
Bánh pudding chuối hạt chia mát lạnh
Nguyên liệu:
- 1 trái chuối chín (tầm 100 gam)
- 160 ml sữa tươi không đường hoặc 1 ly sữa công thức bé đang uống
- 2 thìa cà phê hạt chia
Cách làm:
- Chuối bóc vỏ, cắt thành miếng nhỏ, sau đó cho vào máy xay nhuyễn cùng với sữa cho mịn. Đổ ra ly, tiếp theo cho hạt chia vào
- Cho vào tủ lạnh khoảng 20 – 25 phút để cho hạt chia nở và lấy ra thưởng thức.
Pancake táo yến mạch
Nguyên liệu:
- 150 g yến mạch
- 150 g táo xay nhuyễn
- 1 thìa nhỏ bột nở
- 125ml sữa tươi không đường hoặc sữa công thức bé đang uống
- Trái cây bé yêu thích: lượng vừa ăn
Cách làm:
- Cho các nguyên liệu gồm yến mạch, táo vào máy xay nhuyễn cùng với sữa. Xay đến khi nào hỗn hợp hòa quyện và đổ hỗn hợp ra tô. Cho bột nở vào trộn đều
- Đặt chảo chống dính lên bếp, phết nhẹ một lớp dầu ăn hoặc bơ lạt lên để chống dính
- Dùng muỗng lớn múc hỗn hợp hoặc đổ hỗn hợp vào túi bắt kem và bóp một lượng vừa ăn lên chảo làm thành bánh hình tròn
- Đợi bánh chín lấy ra cho lên đĩa, trang trí với các loại trái cây đã cắt miếng nhỏ và phết một lớp mỏng mật ong lên trên.
Bánh quy yến mạch táo và nho khô
Nguyên liệu:
- 1/2 bát táo xay nhuyễn
- 1/2 bát bơ đậu phộng
- 1 bát yến mạch
- 1/4 bát nho khô
- 1/4 bát hạt bí ngô (có thể bỏ nếu bé không thích ăn)
Cách làm:
- Trộn đều táo đã xay và bơ đậu phộng trong tô lớn
- Cho lần lượt yến mạch, nho khô và hạt bí vào và trộn đều. Lúc này hỗn hợp bột sẽ hơi dính một chút
- Làm nóng lò ở nhiệt độ 180ºC trước khoảng 5 phút. Tiếp đó đặt giấy chống dính lên khay và múc lượng vừa ăn trải đều lên khay
- Sau 5 phút, cho khay bánh vào lò và nướng trong khoảng 10 – 15 phút đến khi vàng đều là được
- Cho bánh ra khay, để nguội và thưởng thức
Bánh kem (bánh bông lan/bánh sinh nhật)
Nguyên liệu:
Phần bánh:
- 5 quả trứng gà ta
- 140 gam bột mì làm bánh
- 70 gam đường
- 5 ml tinh dầu vanilla
Phần kem phủ:
- Lòng trắng trứng 2 quả
- 60 gam đường trắng
- 100 gam bơ lạt
Dụng cụ làm bánh kem:
- Khuôn bánh
- Máy đánh trứng, phới lồng (dụng cụ đánh trứng bằng tay)
- Lò nướng
Cách làm:
Bước 1: dạy bé làm bánh kem
- Đầu tiên đập trứng và đường vào bát lớn, dùng dụng cụ đánh trứng bằng tay để đánh bông trứng và đường. Đánh nhẹ nhàng và đều tay cho đến khi trứng nhạt màu, và bông lên như kem.
- Đổ từ từ bột mì vào đánh cùng với hỗn hợp trứng và đường vừa làm. Đổ từng chút một bột mì rồi dùng máy đánh trứng hoặc phới lồng đánh đều vừa tay đến khi bột quện dẻo lại thì cho tinh dầu vanilla vào tiếp tục khuấy đều.
- Lưu ý: các bước đánh hỗn hợp trên cần hướng dẫn bé đánh đều và không nên đánh quá mạnh tay, nếu đánh quá mạnh bọt khí của trứng sẽ bị vỡ và làm cho bánh bị cứng.
- Phết một lớp mỏng dầu ăn hoặc bơ lạt làm lớp lót để bánh không bị dính vào khuôn, sau đó đổ từ từ hỗn hợp bột bánh kem vừa làm vào khuôn. Bé cũng có thể dùng khuôn tạo hình tùy thích với những hình thù ngộ nghĩnh
Bước 2: Nướng bánh kem
- Sử dụng lò nướng: Cho bánh vào lò nướng trong khoảng 10 phút với nhiệt độ khoảng 170 độ C. Sau đó sẽ hạ nhiệt xuống 160 độ C nướng tiếp trong thời gian 35 phút rồi lấy bánh ra để nguội.
- Nếu không có lò nướng thì mẹ có thể cho bé sử dụng nồi cơm điện chống dính. Trước khi nướng bánh bằng nồi cơm nên lót một lớp giấy nướng xuống đáy nồi. Nếu không có giấy chống dính thì cần phết một lớp bơ lạt và bật nóng nồi trước khi nướng ba mẹ nhé. Sau đó cho hỗn hợp vào nồi và bật chế độ Cook (nấu) chờ đến khi nồi chuyển sang chế độ Warm thì ủ bánh trong nồi thêm 20 – 25 phút nữa là được.
Bước 3: Làm phần kem ngoài bánh
- Cho đường vào nồi, đổ thêm một lượng nước bằng lượng đường rồi cho lên bếp đun sôi, nhớ khuấy đều tay đến khi hỗn hợp keo dẻo là được.
- Lấy 2 lòng trắng trứng, cho đường vừa nấu vào 1 cái bát lớn đựng lòng trắng trứng rồi đánh tan hỗn hợp trên lên cho đến khi thấy có màu trắng mịn
- Tiếp đến cho bơ vào hỗn hợp và đánh đều, nhớ đánh nhanh tay với lực thật mạnh cho đến khi thấy hỗn hợp trở nên sánh mịn.
- Phết kem lên bánh cho đẹp mắt và cho bánh vào tủ lạnh khoảng 25 – 30 phút để phần kem kết vào bánh và không bị chảy lem ra.
Bánh flan
Nguyên liệu:
- 4 phần lòng đỏ trứng
- 250 – 300ml sữa công thức loại mà bé đang uống
- 30g đường cát hoặc đường xay
- Tinh chất vani
- Hũ đựng bánh flan
Cách làm:
- Đầu tiên đánh tan 4 phần lòng đỏ trứng kèm đường trong một bát lớn, đánh nhẹ tay để hỗn hợp không bị nổi bọt khí hay bông lên.
- Sữa công thức pha theo liều lượng như hướng dẫn, rót từ từ sữa đã pha vào hỗn hợp trên, vừa đổ sữa vừa khuấy nhẹ nhàng đều tay. Ở bước này, mẹ có thể nhắc bé thêm chút vani cho thơm.
- Lấy rây lọc hỗn hợp qua rây 2 lần cho mịn rồi đổ vào từng lọ đựng (chừng khoảng 2/3 hũ.
- Đem hấp cách thủy trong 40 phút. Nếu nhà có lò vi sóng thì có thể cho mẻ bánh flan vào nướng ở nhiệt độ 200 độ C tầm 5 đến 7 phút.
- Chờ bánh nguội rồi cho vào tủ lạnh bảo quản hoặc ăn liền. Bánh flan sẽ ngon hơn khi ăn lạnh
Một số lưu ý khi dạy trẻ làm bánh
Chọn món bánh dễ làm, phù hợp với lứa tuổi của bé
Vì các con còn khá nhỏ tuổi và mới bắt đầu làm quen với việc học làm bánh nên ba mẹ hãy đi từ dễ đến khó. Việc dạy bé làm bánh đơn giản, dễ thực hiện sẽ giúp trẻ dễ tiếp thu cũng như dễ dàng hoàn thành món bánh hơn.
Bảo đảm sự an toàn khi trẻ vào bếp
Ba mẹ đừng quên trẻ con luôn hiếu động và việc này sẽ rất nguy hiểm nếu như phụ huynh lơ là khi cho con vào bếp. Vì thế, ngoài việc dạy trẻ vệ sinh tay thật sạch sẽ khi học làm bánh, ba mẹ hãy nhắc nhở bé những đồ dùng có thể gây nguy hiểm như ấm siêu tốc, dao, kéo, lò nướng,… Không chỉ vậy, trong suốt quá trình bé làm bánh, ba mẹ tuyệt đối không được rời mắt khỏi bé và nhớ vừa hướng dẫn, vừa cùng làm với con để bảo đảm an toàn và làm đúng cách nhé!
Đồng hành cùng trẻ
Một khi quyết định dạy bé làm bánh thì chắc chắn ba mẹ phải sắp xếp lại thời gian biểu để có thể đồng hành cùng bé trong suốt quá trình thực hiện. Việc bé học nấu ăn cùng ba mẹ không chỉ bảo đảm an toàn mà còn giúp tình cảm gia đình thêm gắn bó, khăng khít và bé cũng sẽ có thêm động lực để học hơn.
Dạy bé làm bánh mang đến rất nhiều lợi ích và còn là dịp để ba mẹ và bé thêm gần gũi và hiểu nhau hơn. Được tự tay tham gia vào quá trình làm bánh, bé sẽ biết quý trọng công sức lao động, biết trân trọng những món ăn mẹ hay làm và đặc biệt là giúp con phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ.