Phương pháp dạy trẻ sơ sinh (từ 0-6 tháng tuổi) đang ngày được nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ quan tâm. Hiện nay có rất nhiều phương pháp dạy bé sơ sinh khác nhau. Vậy nên dạy trẻ sơ sinh theo từng tháng như thế nào? Dạy trẻ 0-3 tháng tuổi khác với giai đoạn 3-6 tháng tuổi ra sao? Hãy cùng Luật Trẻ Em Thủ Đô tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Mục Lục Bài Viết
Giáo dục cho trẻ sơ sinh là gì?
Giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh là phương pháp giáo dục cho bé từ khi còn trong bụng cho đến khi con 6 tháng tuổi nhằm kích thích sự phát triển tối đa của não bộ trẻ. Từ đó giúp bé phát huy những tố chất tốt đẹp, làm tiền đề cho sự phát triển về trí tuệ và cảm xúc của bé yêu sau này.
Độ tuổi phù hợp nhất để giáo dục cho bé sơ sinh là dạy trẻ từ 0 – 3 tháng và có thể áp dụng đến khi trẻ 6 tuổi. Trọng tâm của việc giáo dục sớm cho con là làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con trẻ, xây dựng môi trường trí tuệ, thẩm mỹ và môi trường vận động phù hợp nhất cho bé.
Lợi ích của giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh
Ba mẹ biết không, phương pháp giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh sẽ đem đến sự phát triển về trí tuệ và cảm xúc, thể chất của con đấy! Những lợi ích cụ thể khi áp dụng các cách dạy trẻ sơ sinh đó là:
- Khuyến khích sự phát triển toàn diện của trẻ về cảm xúc, tinh thần.
- Rèn luyện cho con tính nhẫn nại, khả năng làm việc nhóm, tính chủ động học hỏi.
- Bé yêu sẽ học được cách biết tôn trọng sự khác biệt và khả năng vượt khó.
- Trẻ được giáo dục từ sớm và sẽ có những bước chuẩn bị vững chắc cho hành trình phát triển trong tương lai.
Cách giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh từ 0 – 6 tháng
Có nhiều giai đoạn giáo dục sớm cho bé sơ sinh nhưng 2 giai đoạn quan trọng nhất là dạy trẻ từ 0 – 3 tháng và sau đó là từ 3 – 6 tháng. Các giai đoạn sau này có thể kế thừa từ các giai đoạn sớm được đề cập sau đây.
1. Cách giáo dục sớm cho trẻ từ 0 đến 3 tháng tuổi
Dạy trẻ 0 – 3 tháng tuổi bắt đầu định hình được các giác quan như: thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác,… Bởi vậy, đây được xem là “giai đoạn vàng” để giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh.
Thính giác:
Cho bé yêu nghe nhạc có chọn lọc, ba mẹ chú ý không mở nhạc quá to và chỉ nên cho bé nghe 15 phút/1 lần; 1 ngày nghe 2 lần là được.
Bên cạnh việc nghe nhạc, ba mẹ cũng nên thường xuyên trò chuyện, kể cho trẻ về những thứ xung quanh vì các bé hơn 1 tháng tuổi là đã có thể bắt đầu hóng chuyện. Do đó, ngay từ lúc này, ba mẹ hãy tích cực trò chuyện với để kích thích bé, cho bé tập nhìn đồ chơi, truyện tranh nhiều màu sắc để giúp bé tăng dần nhận thức.
Thị giác:
Trẻ sơ sinh từ 0 đến 3 tháng tuổi chưa thể nhìn xa được và đồng thời cũng chỉ nhận biết được 2 màu chủ đạo là trắng và đen. Vì vậy, để luyện tập cho bé yêu sớm thị giác sớm cho bé yêu thì mẹ có thể cho bé nhìn tranh caro đen trắng, những món đồ chơi 2 màu trắng đen mỗi ngày khoảng 3 phút để tạo khả năng tập trung cho bé. Hoặc nếu có thời gian mẹ hãy dán bảng chữ cái, hình con vật,… to và rõ ràng gần giường của bé. Chỉ cần bế bé đến gần bảng chữ cái, tập nhìn hình ảnh mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 2 – 3 giây là đã có thể kích thích được thị giác của con rồi.
Bên cạnh đó, ba mẹ cũng nên treo các tranh ảnh hoặc vẽ tường chủ đề phong cảnh khắp phòng của con. Những hình ảnh này sẽ kích thích sự sáng tạo của con từ lúc bé mới lọt lòng rất tốt đấy!
Xúc giác:
Khi mẹ cho bé bú (bú bình hay bú mẹ), mẹ hãy chú ý để đầu ti chạm vào những vị trí khác nhau của bé như: môi trên, cằm, má trái, má phải… để dạy bé cảm nhận được không gian, vị trí trên – dưới – phải – trái, từ đó bé sẽ học được cách ngậm ti một cách chính xác hơn cho những lần sau.
Vị giác:
Giai đoạn 0 – 3 tháng tuổi, ba mẹ có thể dùng 1 chiếc ti giả, thìa nhỏ với ít nước sạch, sữa mẹ, sữa công thức,… lần lượt từng vị 1 cho bé nếm để kích thích phát triển vị giác của bé.
Xúc giác:
Để phát triển xúc giác, ba mẹ hãy cho bé tập cầm nắm các ngón tay của mẹ, đồ chơi (có chất liệu an toàn, phù hợp với bé sơ sinh) từ khi mới lọt lòng. Không nên cho bé đeo bao tay quá lâu trong ngày đâu mẹ nhé!
Khứu giác:
Ba mẹ nên cho trẻ tập ngửi nhiều mùi khác nhau (ngửi lần lượt và không pha trộn mùi). Lâu dần bé sẽ ngoái đầu về phía có hương thơm. Bé ngửi nhiều mùi khác nhau thì khứu giác sẽ được kích thích và phát triển. Tuy nhiên, người lớn cũng nên lưu ý là chỉ cho bé sơ sinh ngửi những mùi hương dịu nhẹ và an toàn như: mùi sữa, mùi khăn xô, mùi quần áo mới giặt của bé,… thôi nhé!
2. Cách giáo dục sớm cho bé sơ sinh từ 3 – 6 tháng
Giai đoạn từ 3 – 6 tháng, các bé sơ sinh đã có thể nhìn xa được khoảng 3 mét và có thể cầm nắm đồ vật có ý thức. Nếu ba mẹ đã dạy bé từ giai đoạn 0-3 tháng, lúc này các giác quan của bé sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Thị giác:
Mẹ có thể cho bé lại gần những bức tranh phong cảnh, tranh thiên nhiên, con vật… bé sẽ thích thú hơn với nhiều màu sắc khác nhau. Khi mẹ bật đèn sáng, nếu bé biết hướng ánh mắt về phía đèn thì cũng chứng minh được thị giác của con đã được kích thích thành công.
Thính giác:
Nếu từ giai đoạn trước, ba mẹ đã thường xuyên nói chuyện và cho bé nghe nhạc để kích thích thính giác của bé thì sang giai đoạn này vẫn tiếp tục nói chuyện với bé với ngôn từ từ tốn, diễn cảm và vui vẻ. Song song đó, khi nói chuyện với con thì người lớn nên kết hợp biểu cảm khuôn mặt, tay chân đề thu hút và giúp bé chăm chú hơn. Nếu bé “trả lời”, ba mẹ hãy phản hồi lại bé ngay lúc đó nhé!
Xúc giác:
Các bé giai đoạn 3-6 tháng tuổi là đã biết tự ngóc đầu dậy, tập lẫy, lật. Vì thế, ba mẹ hãy sắp xếp các đồ vật khác nhau xung quanh hoặc có thể cho bé nằm sấp trên bụng cho bé tập vươn người tới để cầm, nắm các loại đồ chơi mà bé thích.
Vị giác:
Tiếp tục thực hiện cách nhận biết về vị giác như giai đoạn từ 0-3 tháng và nâng cao với nước lọc (sạch) bằng cách cho bé tập uống nước.
Các phương pháp giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh nổi tiếng nhất
Hiện nay, có 4 phương pháp dạy trẻ sơ sinh nổi tiếng và được nhiều bậc phụ huynh quan tâm và áp dụng, đó là:
1. Phương pháp Shichida
Phương pháp Shichida có nguồn gốc từ Nhật Bản và được ra đời năm 1960. Phương pháp giáo dục này được đặt tên theo tên người sáng lập ra đó chính là giáo sư Makoto Shichida (1929-2009).
Shichida áp dụng cho bé giai đoạn từ 0 – 3 tuổi giúp bé phát triển toàn bộ não, kích thích khả năng tiếp thu bằng cách “kích hoạt” cả 5 giác quan của bé: thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác, khứu giác. Phương pháp này không chỉ tập trung vào phát triển trí não mà còn hướng dẫn sự phát triển cân bằng 2 bán cầu não và giáo dục tinh thần bé, từ đó giúp bé có ý thức đạo đức từ sớm. Những bài tập nằm trong phương pháp Shichida được chia ra để phù hợp với từng lứa tuổi giúp bé có hoạt động thể chất vừa sức và lành mạnh. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng đề cao giáo dục dinh dưỡng – một phần quan trọng trong nền tảng phát triển của trẻ nhỏ.
2. Phương pháp Glenn Doman
Glenn Doman ra đời bởi giáo sư Glenn Doman. Phương pháp này chủ yếu sử dụng các flashcard và dot card như một trò chơi trí tuệ vừa giúp bé thư giãn, vừa kích thích khả năng ghi nhớ, phân tích, và khả năng tư duy logic và trí thông minh của bé.
Tuy vậy, Glenn Doman không dạy bé đọc, viết ngay lập tức mà chỉ dạy các con nhận biết đồ vật để kích thích trí thông minh trong não bộ của trẻ.
3. Phương pháp Montessori
Phương pháp giáo dục Montessori được đặt theo tên của bác sĩ kiêm nhà giáo dục Ý Maria Montessori. Phương pháp này vừa giúp trẻ phát triển cá nhân, chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ vừa cho phép bé phát triển theo khả năng và thời gian của riêng mình.
Người lớn tôn trọng tính riêng biệt của trẻ và chú trọng phát triển sinh lý tự nhiên là đặc trưng của phương pháp này. Vì thế, Montessori hiệu quả nhất khi áp dụng cho các bé từ 2 – 6 tuổi.
4. Phương pháp STEM
STEM là chương trình giáo dục hiện đại với sự tích hợp của các lĩnh vực khoa học – công nghệ – kỹ thuật – toán học. Chương trình STEM rất đề cao tính thực tiễn với mục đích để bé tự khám phá cũng như phát huy khả năng tư duy sáng tạo, tư duy logic qua các bài học một cách hiệu quả nhất. Vì thế, đây cũng là phương pháp giáo dục thích hợp với bé từ 2 tuổi trở lên.
Tóm lại, khi dạy trẻ sơ sinh, ba mẹ nên lưu ý mặc dù mỗi bé có sự phát triển khác nhau song nhìn chung sự phát triển về trí não và thể chất của trẻ sẽ bị chi phối rất nhiều bởi cách nuôi con ngay trong giai đoạn 0-6 tháng tuổi. Chính vì thế, hy vọng rằng qua bài viết này ba mẹ sẽ có thêm thật nhiều kiến thức bổ ích và biết cách tìm hiểu những phương pháp nuôi con khoa học để thiên thần nhỏ sẽ được phát triển toàn diện.