Ở độ tuổi 12 trẻ chính thức bước vào giai đoạn tuổi dậy thì. Lúc này trẻ đang đứng giữa ranh giới trẻ con và người lớn. Các đặc điểm về thể chất, tâm lý của trẻ lúc này hết sức phức tạp. Để có cách dạy con ở tuổi 12 đúng đắn, phù hợp và mang lại lợi ích về sau cho con, ba mẹ hãy đọc ngay bài viết sau của Luật Trẻ Em Thủ Đô.
Mục Lục Bài Viết
Phát triển về thể chất của 12 tuổi
Biểu hiện
Hầu hết các bé gái ở độ tuổi 12 đều sẽ bắt đầu dậy thì, một số trường hợp có thể sớm hơn hoặc muộn hơn. Các biểu hiện đặc trưng về thể chất ở trẻ ở giai đoạn này là: cao nhanh, ngực phát triển, lông mọc nhiều ở vùng kín và có kinh nguyệt.
Với các bé trai, độ tuổi dậy thì trung bình là 13-14 tuổi. Khi 12 tuổi, thông thường trẻ sẽ bắt đầu có những dấu hiệu dậy thì như dương vật và tinh hoàn ngày càng lớn, mọc lông vùng kín, mọc râu, tăng cơ và giọng nói trầm hơn
Ba mẹ nên làm gì?
Ba mẹ hãy trò chuyện với con về những sự thay đổi này, giúp con hiểu đây là quá trình phát triển bình thường của một con người. Ngoài ra, trẻ cũng tò mò về chuyện tình dục. Ba mẹ không nên lảng tránh về vấn đề này mà hãy chia sẻ thẳng thắn về nó, và dạy con cách đảm bảo an toàn trong tình dục. Cách dạy con ở tuổi 12 này sẽ giúp con có cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề này. Nếu để trẻ tự tìm hiểu thì chúng có thể có cái nhìn sai lệch và muốn thử để hiểu rõ hơn.
Ba mẹ cũng cần dạy con cách vệ sinh cá nhân đúng, thường xuyên tắm rửa để hạn chế mùi cơ thể. Bên cạnh đó, hãy rèn luyện thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi tắm, rửa mặt, làm vệ sinh cá nhân… nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các vi khuẩn gây bệnh cho trẻ.
Cách dạy con gái tuổi 12 về phương diện này là mẹ hướng dẫn con làm vệ sinh vùng kín theo nguyên tắc từ trước ra sau, không thụt rửa âm đạo. Mẹ cũng cần cho bé gái mặc áo con khi có hoạt động ngoài trời hoặc khi đi học. Đồng thời, dạy trẻ cách sử dụng băng vệ sinh. Với bé trai, ba hướng dẫn con cách cạo râu, làm sạch dao cạo sau mỗi lần cạo. Dặn trẻ không dùng chung dao cạo để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Phát triển về cảm xúc của 12 tuổi
Biểu hiện
Cảm xúc của trẻ 12 tuổi thay đổi nhanh chóng và liên tục. Sự thay đổi hormone là nguyên nhân chính khiến cảm xúc trẻ thay đổi lên xuống. Không những thế, việc ngoại hình có những điểm mới và cảm xúc nảy sinh với người khác phái cũng khiến trẻ cảm thấy khó chịu: mọc mụn khiến trẻ tự ti, xấu hổ, ánh mắt người khác phái nhìn vào cơ thể,… Điều này khiến trẻ gặp các vấn đề như stress, lo lắng, rối loạn ăn uống,..
Một phát triển về cảm xúc của trẻ trong giai đoạn này là trẻ muốn thể hiện vai trò của mình trong đội nhóm, trường lớp. Đây là bước đầu để rèn luyện kỹ năng lãnh đạo của trẻ. Ba mẹ hãy cho phép trẻ tham gia vào các quyết định của gia đình và cho trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng, câu lạc bộ.
Ba mẹ nên làm gì?
Ba mẹ hãy thường xuyên nói chuyện để thấu hiểu cảm xúc và quyết định của con. Nếu những chuyện con muốn làm thì ba mẹ nên thỏa hiệp và ủng hộ con. Việc đặt ra quá nhiều nguyên tắc, luật lệ có thể châm ngòi cho những cuộc xung đột giữa ba mẹ và con cái.
Cách dạy trẻ 12 tuổi bướng bỉnh ở đây là ba mẹ chỉ nên thể hiện sức ảnh hưởng của trong các vấn đề như học hành, chuyện tình cảm, cách hành xử của con. Những việc khác như trẻ chưa dọn phòng, cách ăn mặc của trẻ không khác tiêu chuẩn của ba mẹ thì có thể bỏ qua.
>>> Ba mẹ có thể tìm hiểu thêm bài viết Cách Dạy Con Tuổi 13 Và Những Cột Mốc Phát Triển
Tương tác xã hội
Biểu hiện
Trẻ 12 tuổi cho rằng mình đã lớn, và muốn có sự độc lập khỏi ba mẹ và gia đình. Trẻ quan tâm đến bạn bè và bạn khác giới hơn. Đồng thời, trẻ cũng muốn mình thu hút và nổi bật giữa nhóm bạn đồng trang lứa.
Hầu hết trẻ 12 tuổi thích cơ hội tự quyết định và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Trẻ cũng có ham muốn thể bản thân nên tích cực tham gia vào các hoạt động giải trí, văn thể mỹ, hoạt động đội nhóm….
Bởi vì tâm lý cho rằng mình đã lớn, muốn độc lập, thể hiện bản thân nên đôi khi trẻ bỏ qua những dấu hiệu nguy hiểm và thử làm những việc liều lĩnh như hút thuốc, chơi trò mạo hiểm,…
Ba mẹ nên làm gì?
Ba mẹ hãy cố gắng cân bằng giữa việc tôn trọng sự riêng tư của con và giáo dục con về nhận thức. Hãy bầu bạn với con và khuyến khích con chia sẻ lo lắng của bản thân, chuyện con “cảm nắng” hay “thần tượng” ai đó. Sau đó, chia sẻ suy nghĩ và đưa ra lời khuyên của mình. Ba mẹ không nên phản đối hay áp đặt con quá nhiều, thay vào đó là đồng hành và dẫn đường cho con.
Vì trẻ đang trải qua những thay đổi lớn, bản thân chúng muốn tự giải quyết nhưng lại chưa đủ khả năng nên đôi khi chúng có thể cảm thấy áp lực. Do đó, ba mẹ cần cho trẻ biết rằng chúng sẽ luôn nhận được sự hỗ trợ bất cứ khi nào cần.
Bên cạnh đó, ba mẹ cũng cần đặt ra những quy tắc về hành vi, cách ứng xử giao tiếp trong xã hội cho trẻ và quy tắc đối xử với con cho bản thân. Cả hai bên cần tuân thủ những quy tắc này một cách nhất quán. Nếu phá vỡ quy tắc thì ba mẹ và trẻ phải chịu trách nhiệm. Điều này giúp trẻ 12 tuổi hiểu cha mẹ hơn và hành xử đúng mực. Lưu ý rằng không nên đặt những quy tắc quá khắt khe, bởi vì chúng sẽ giới hạn không gian trải nghiệm và phát triển của trẻ.
Phát triển nhận thức
Biểu hiện
Mặc dù bộ não của trẻ 12 tuổi đã ngừng tăng về mặt kích thước nhưng các chức năng vẫn tiếp tục phát triển. Khả năng tư duy trừu tượng, giải quyết vấn đề và tư duy logic được nâng cao. Nhưng kỹ năng tổ chức, kiểm soát hoạt động vẫn chưa hoàn thiện.
Trẻ có suy nghĩ logic hơn, giải quyết các khái niệm mang tính giả thuyết hay tập trung suy nghĩ, đưa ra nhận định vấn đề trên cơ sở phân tích nhiều phương diện khác nhau. Không những thế, hầu hết trẻ 12 tuổi có khả năng ngôn ngữ, giao tiếp mạnh mẽ. Trẻ có thể hiểu rõ các ngữ nghĩa bên cạnh nghĩa đen của tục ngữ, thành ngữ.
Ba mẹ nên làm gì?
Ba mẹ nên chủ động theo dõi việc học của con bằng cách liên hệ với giáo viên và tự mình giám sát. Nếu kết quả của trẻ giảm sút, hay có những hành vi xấu thì hãy tìm nguyên nhân để giải quyết. Các nguyên nhân có thể do sức khỏe trẻ suy giảm, trẻ bị cô lập trên lớp,…
Ngoài ra, ba mẹ cũng nên đăng ký cho con tham gia các khóa học năng khiếu, hoạt động trại hè,… để con rèn luyện và phát triển năng lực của mình. Luật Trẻ Em Thủ Đô là nơi mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho trẻ, giúp trẻ thử sức trong nhiều lĩnh vực như ngoại ngữ, nhạc cụ, hội họa, kỹ năng sống,… và có cơ hội giao lưu, làm quen với nhiều bạn đồng trang lứa.
Những điều cần tránh trong cách dạy con khi 12 tuổi
Dùng hình phạt về thể xác
Trẻ 12 tuổi có cái tôi lớn và lòng tự trọng cao. Do đó, trong cách dạy con ở tuổi 12, ba mẹ tuyệt đối không nên đánh con khi phạm lỗi hay làm con xấu hổ giữa đám đông. Bởi điều này khiến trẻ bất mãn, trở nên chai lì, khó bảo, đồng thời trẻ sẽ mất niềm tin ở ba mẹ và không chia sẻ nhiều như trước nữa.
Ngoài ra, ba mẹ cũng nên hạn chế việc la mắng con. Nó sẽ dẫn đến tình trạng trẻ hình thành thái độ im lặng, cộc cằn, khó tính. Khi có cảm xúc tức giận, ba mẹ nên đợi đến khi đủ bình tĩnh và trao đổi với con sau.
Kiểm soát chi tiêu của con quá mức
Khi con xin tiền, nhiều ba mẹ thường không đáp ứng, đòi con phải đưa ra lý do hoặc tùy ý cắt giảm chi phí cho con. Tuy nhiên, ba mẹ phải hiểu rằng trong giai đoạn này, con cũng cần có chi phí để chăm sóc ngoại hình, đi chơi với bạn bè hoặc phục vụ cho sở thích cá nhân,… Nếu ba mẹ không cho con tiền thì con sẽ đi vay mượn hoặc bị kẻ xấu lợi dụng để có tiền.
Thay vì kiểm soát gắt gao, ba mẹ hãy cho con một khoản tiền nhất định và hướng dẫn con lập kế hoạch chi tiêu phù hợp. Đồng thời, hãy dạy cho con về giá trị của đồng tiền để con trân trọng công sức của ba mẹ, biết cách chi tiêu hợp lý và có thể tự mình kiếm tiền bằng cách hợp pháp.
Ngăn cấm con kết bạn với bạn khác giới
Nhiều ba mẹ sợ rằng nếu con yêu sớm thì sẽ lơ là việc học hành, dễ sa ngã vào những cám dỗ nên không cho con tiếp xúc nhiều với bạn khác giới, hay hạn chế việc đi chơi, kết bạn của con. Tuy nhiên, việc không cho con ra ngoài giao tiếp và trải nghiệm cuộc sống sẽ khiến con mất đi nhiều kỹ năng sống cơ bản hay khó hòa nhập với mọi người xung quanh. Không những thế, những đứa trẻ bị bảo bọc quá mức thường dễ sa vào cạm bẫy xã hội hơn khi trưởng thành.
Không phải đứa trẻ nào cũng xuất hiện tình cảm hay rung động với người khác phái. Sự cấm đoán hay thái độ nóng vội của ba mẹ có thể khiến tình bạn giữa con và bạn khác phái bị tiêu cực hóa.
Cách dạy con ở tuổi 12 tốt nhất là thay vì cấm đoán thì hãy trang bị cho con những kiến thức căn bản về giới tính và tình dục. Nhờ đó, con vừa giao lưu kết bạn vừa có kỹ năng để bảo vệ bản thân.
Không cho con không gian riêng tư
Nhiều ba mẹ cảm thấy mình là người bạn duy nhất của con nên luôn muốn con phải chia sẻ, làm mọi thứ cùng mình. Tuy nhiên, sự khác biệt về tuổi tác, quan niệm sống đôi khi là khoảng cách khó vượt qua. Trẻ sẽ cảm thấy được thấu hiểu hơn khi làm bạn với những người đồng trang lứa. Thay vì ép con làm mọi thứ cùng với mình hãy để con có không gian riêng tư, tự do theo đuổi ước mơ, sở thích của mình. Ba mẹ chỉ cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến của con và đưa ra lời khuyên, chỉ dẫn thích hợp.
Giai đoạn tuổi dậy thì không chỉ khiến trẻ 12 tuổi hoang mang, bối rối mà còn khiến phụ huynh đau đầu. Trang bị những kiến thức về sự thay đổi của con trong giai đoạn này sẽ giúp ba mẹ có cách dạy con ở tuổi 12 hợp lý, khoa học. Hy vọng với những thông tin trên đây, ba mẹ sẽ tìm đúng phương hướng giáo dục cho con mình.