Trẻ bị sốt là phản ứng bình thường của cơ thể nhằm chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus khi chúng tấn công và xâm nhập. Tùy vào tình trạng trẻ bị sốt mà bác sĩ sẽ có những cách điều trị khác nhau cho bé để hạ sốt, giảm sự mất nước, mệt mỏi, suy kiệt cơ thể,… Vậy ba mẹ nên làm gì khi trẻ bị sốt? Những loại sốt nào thường gặp ở trẻ nhỏ? Đặc biệt, khi trẻ bị sốt nên làm gì? Hãy cùng Luật Trẻ Em Thủ Đô đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!

Bệnh sốt ở trẻ em là gì? Những biểu hiện thường gặp khi trẻ bị sốt

Sốt là khi nhiệt độ cơ thể bé cao hơn mức bình thường. Bé bị sốt cũng là lúc cơ thể đang chống lại nhiễm trùng do các tác nhân bên ngoài môi trường gây nên. Ở trẻ em và cả người lớn, sốt được xác định rõ nhất là lúc nhiệt độ cơ thể cao hơn mức bình thường (đo ở hậu môn) trên 38 độ C.

Các bác sĩ chuyên khoa khẳng định sốt không phải là bệnh. Đó chỉ là một triệu chứng, hoặc dấu hiệu cho thấy cơ thể bé đang chiến đấu với một số bệnh tật hoặc nhiễm trùng. Đồng thời, trẻ bị sốt chính là đang kích thích sự phòng vệ của cơ thể, “gửi”các tế bào bạch cầu và một số tế bào “chiến đấu” khác đến để “ăn” và tiêu diệt nguyên nhân gây nhiễm trùng.

khi bé bị sốt
Trẻ bị sốt là lúc cơ thể đang chống lại các nhiễm trùng

Những triệu chứng thường gặp khi trẻ bị sốt

Trẻ bị sốt thường xuất hiện kèm theo các triệu chứng rất dễ để nhận biết và có liên quan như: toàn thân nóng ran (nhất là tại những chỗ như trán, nách, bẹn, hậu môn,…) mặt đỏ, người lừ đừ,…

Ngoài ra, đối với những em bé bị sốt mà tuổi còn quá nhỏ (trẻ sơ sinh, trẻ dưới 2 tuổi) thì ba mẹ sẽ thấy bé hay quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn, nằm thiêm thiếp, ngủ không sâu giấc,… Còn những bé lớn trên 2 tuổi, khi đã biết nói chuyện thì có thể “méc” với ba mẹ cơ thể mệt mỏi, nhức đầu hoặc đau nhức toàn thân khó chịu, buồn ngủ,… Lúc này, ba mẹ để ý sẽ thấy bé da dẻ có phần nhợt nhạt thiếu sức sống, hay mè nheo. Đôi khi trẻ còn cảm thấy khó thở, buồn nôn,…

Không chỉ tùy thuộc vào độ tuổi, những biểu hiện khi trẻ bị sốt cũng rất đa dạng tùy thuộc vào cơ địa của mỗi bé. Vì thế, để dễ nhận dạng các dạng sốt ở trẻ, ba mẹ nên chú ý một số dạng sốt cơ bản thường gặp như:

  • Sốt nhẹ: là tình trạng cơn sốt có nhiệt độ trên mức bình thường đến dưới 38 độ. Thông thường trẻ bị sốt 38 độ C có thể gặp các tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp thường thấy như viêm họng, viêm mũi xoang,… một số trẻ bị sốt tuy nhẹ nhưng nếu ba mẹ không chú ý có thể dễ dẫn đến nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường tiết niệu, viêm đường tiêu hoá,…
  • Sốt cấp tính (hay còn gọi với tên gọi phổ biến là “sốt siêu vi”): Bé bị sốt cấp tính chủ yếu là bệnh do virus gây ra. Thời gian phát sốt nhanh từ 1 đến 2 ngày nhưng sử dụng hạ sốt không hạ. Đối với trường hợp này ba mẹ nên cho bé đi gặp bác sĩ càng nhanh càng tốt.
  • Sốt kéo dài: khi trẻ sốt trên 37 độ và kéo dài trong nhiều ngày mà không có dấu hiệu thuyên giảm. Đi kèm với đó là những triệu chứng ho, thở khò khè, sổ mũi,… càng ngày càng nặng. Đối với trường hợp này thì phụ huynh phải lập tức cho bé đi nhập viện vì đây có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời đều có thể gây sốt kéo dài dẫn đến nhiễm khuẩn huyết.
Xem Thêm:   Dạy Trẻ 3 Tuổi Đúng Cách Để Con Thông Minh Vượt Trội

Nguyên nhân gây sốt ở trẻ

Điều quan trọng nhất khi trẻ bị sốt là ba mẹ cần xác định được nguyên nhân để có thể xử lý kịp thời. Đối với trẻ nhỏ, sốt do rất nhiều nguyên nhân gây nên nhưng chung quy chúng ta có thể gom lại thành những nhóm nguyên nhân chính sau:

Sốt do virus

  • Sốt xuất huyết: trẻ bị sốt xuất huyết sẽ có biểu hiện sốt cao từ 2 – 6 ngày liên tục, sau đó dần xuất hiện những mảng xuất huyết dưới da và tự khỏi dần.
  • Sốt do cúm: trẻ bị mắc virus cúm sẽ sốt cao, tắc nghẹt mũi, liên tục ho hoặc hắt hơi, chảy nước mũi, ho có đờm,…
  • Sốt do sởi: biểu hiện của bệnh sởi là sốt cao liên tục trên 38 độ, ho nhiều, chảy nước mũi và có thêm biểu hiện mắt đỏ.
  • Sốt do bệnh chân – tay – miệng: Trẻ bị sốt và xuất hiện những nốt phồng rộp ở khắp bàn tay, chân, quanh miệng và cả trong miệng khiến bỏ ăn, mệt mỏi và hay quấy khóc
  • Sốt do thủy đậu: vi rút gây bệnh thủy đậu không chỉ có các nốt phồng rộp có nước mà còn khiến trẻ bị sốt nhẹ, đau đầu khó chịu.

Sốt do nhiễm trùng

Đa số các nguyên nhân khiến trẻ bị sốt là do nhiễm trùng. Các bệnh thông thường gây ra sốt là:

  • Viêm họng: trẻ có thể sốt cao lên tới 39 – 40 độ C kèm triệu chứng đau rát cổ họng, đau và khóc khi nuốt nước bọt, nói không ra tiếng, khản tiếng, mệt mỏi.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp: các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây sốt ở trẻ thường là do viêm thanh quản, viêm phổi, viêm phế quản, viêm màng phổi,… Khi mắc các bệnh này, trẻ không chỉ sốt cao mà còn có các triệu chứng rất nguy hiểm như khó thở, ho ra máu và đau ngực.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: đối với trẻ bị sốt kèm theo đó là tiểu buốt, tiểu rắt, ba mẹ quan sát thấy nước tiểu có mùi và màu lạ, trẻ đau quặn vùng thắt lưng… thì rất có thể bé đã bị viêm cầu thận, viêm bàng quang…
  • Sốt phát ban: trẻ bị sốt phát ban sẽ bị nổi nốt mẩn đỏ li ti khắp người và sau đó tự hết dần khi đã hạ sốt.
  • Nhiễm trùng gan – mật: trường hợp trẻ bị sốt, vàng da, vàng mắt, đau tức vùng bụng thì có thể bé đã mắc bệnh nhiễm trùng gan – mật
  • Nhiễm khuẩn não – màng não: trẻ bị sốt cao, đau đầu, buồn nôn và liên tục nôn mửa. Nếu nặng hơn, trẻ có thể sốt cao dẫn đến co giật, li bì, hôn mê,… Trẻ sơ sinh nếu bị sốt sẽ có dấu hiệu thóp phồng…
  • Một số bệnh khác: ngoài các bệnh thường gặp đã nêu ở trên thì còn một số bệnh lý khác khiến trẻ bị sốt như: viêm tai giữa, viêm amidan, nhiễm trùng máu,…
lưu ý khi trẻ bị sốt
Khi trẻ bị sốt, ba mẹ nên xác định nguyên nhân gây sốt ở trẻ để có hướng xử trí đúng cách

Sốt do tiêm chủng

Sốt sau tiêm phòng (chủng ngừa) là một trong những phản ứng bình thường của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đối với vacxin. Đặc biệt đối với các mũi tiêm nặng như vacxin 5in1, 6in1, sởi, viêm não Nhật Bản,… thì sau khi đi tiêm về, ba mẹ nên theo dõi thật kỹ 24h sau tiêm. Bên cạnh đó, khi cho bé tiêm ba mẹ cũng nên trao đổi với y bác sĩ về các phản ứng sau tiêm chủng để được hướng dẫn cách xử trí phù hợp.

Sốt do mọc răng

Những năm tháng đầu đời, mọc răng cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bé bị sốt. Thông thường, sốt do mọc răng thuộc dạng sốt nhẹ dưới 38 độ C. Hiện tượng sốt mọc răng sẽ tự hết sau khoảng vài ngày nên ba mẹ không cần quá lo lắng.

Tuy nhiên, nếu trẻ sốt trên 38,5 độ thì hãy cho trẻ dùng thuốc hạ sốt (loại dành cho trẻ nhỏ) với liều lượng phù hợp.

Khi nào thì trẻ bị sốt ở mức độ nghiêm trọng và cần sơ cứu kịp thời?

Ba mẹ cần đưa trẻ bị sốt đi bệnh viện khám bác sĩ ngay nếu bé có các dấu hiệu sau đây:

  • Trẻ bị sốt dưới 2 tháng tuổi.
  • Sốt cao liên tục trên 40 độ C.
  • Trẻ vừa sốt vừa quấy khóc không dỗ được, bứt rứt nhiều.
  • Trẻ khóc to mỗi khi cử động hoặc khi cha mẹ chạm vào.
  • Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức.
  • Trẻ có dấu hiệu cứng cổ bất thường.
  • Nổi phát ban (mẩn đỏ li ti) trên da.
  • Khó thở, thở khò khè và không cải thiện kể cả khi đã làm sạch mũi.
  • Bỏ ăn, bỏ bú, không chơi đùa.
  • Buồn nôn, nôn ói nhiều.
  • Đi tiêu ra máu hoặc ói ra máu.
  • Trẻ bị co giật, hôn mê.
Xem Thêm:   Dạy Trẻ Kỹ Năng Tự Bảo Vệ Bản Thân Như Thế Nào? Ba Mẹ Nên Chú Ý

Bên cạnh đó, khi vào mùa dịch bệnh hoặc thời tiết thay đổi thất thường thì trẻ rất dễ bị sốt hoặc dễ mắc bệnh và dẫn đến sốt. Những lúc này, phụ huynh cần bình tĩnh, quan tâm và chú ý đến triệu chứng trẻ bị sốt 38 độ trở lên để kịp thời xử lý, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Tổng hợp các bước xử lý đúng cách khi trẻ bị sốt

Khi bé bị sốt nên làm gì? Có nên tắm cho trẻ khi bị sốt hay không?,… là thắc mắc của rất nhiều bậc phụ huynh có con ốm. Theo lời khuyên của các bác sĩ, ba mẹ cần biết các kỹ năng chăm sóc đúng cách cho con khi bé bị sốt, cụ thể như sau:

Nên cho trẻ mặc thoáng mát

Khi nhiệt độ cơ thể bé đã tăng cao, ba mẹ tuyệt đối không ủ ấm thêm mà hãy cởi bỏ bớt chăn, quần áo, không đóng bỉm gây nóng, tăng nhiệt độ, khó chịu cho trẻ khi bị sốt,… Thay vào đó, nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi để hạ bớt nhiệt độ cơ thể.

Lau mát cho trẻ đúng cách

Có nên tắm cho bé khi bị sốt không là thắc mắc của rất nhiều bà mẹ. Câu trả lời là không nên tắm mà hãy lau mát. Để lau mát đúng cách, ba mẹ dùng 5 chiếc khăn nhỏ nhúng vào nước ấm. Trong đó, 4 cái khăn sẽ đặt 2 bên nách và 2 bên háng trẻ, còn chiếc khăn còn lại tiếp tục nhúng nước ấm lau khắp người trẻ. Khi lau nước ấm sẽ bốc hơi, làm giãn mạch máu từ đó làm giảm nhiệt độ cơ thể cho trẻ.

Ba mẹ cũng nên nhớ là tuyệt đối không lau bằng nước lạnh, nhất là cẩn trọng hơn khi lau cho trẻ sơ sinh.

bệnh sốt ở trẻ em
Lau người bằng nước ấm là một trong những phương pháp hạ sốt đúng cách

Cho trẻ uống nhiều nước, uống thuốc hạ sốt

Cách hạ sốt nhanh và hiệu quả nhất chính là cho trẻ uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn phải theo chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc hạ sốt cho trẻ phổ biến là Paracetamol đơn chất dạng gói, siro hoặc viên nhét hậu môn. Ưu điểm của các loại thuốc này là hạ sốt chỉ sau 30 phút sử dụng và có thể có tác dụng kéo dài từ 4 – 6 giờ, ít gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, ba mẹ cũng không nên lạm dụng và phải tuân thủ thời gian giãn cách giữa các liều dùng tùy thuộc vào cân nặng và không tùy tiện cho trẻ uống khi không có chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, ba mẹ cũng đừng quên cho con uống thêm nhiều nước để bù nước, hạn chế tình trạng mất nước quá nhiều khi trẻ bị sốt.

Đưa đến bệnh viện gần nhất trong vòng 24h nếu trẻ sốt cao liên tục

Khi ba mẹ tự chăm sóc và đã làm mọi cách để hạ sốt cho trẻ nhưng không có kết quả khả quan và có các triệu chứng bất thường như: đang sốt mà hạ nhiệt đột ngột xuống dưới 36,5 độ, thân nhiệt lên xuống thất thường, nhiệt độ tăng cao trên 40 độ,… thì cách tốt nhất là đưa đến bệnh viện sớm để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Những sai lầm nguy hiểm mẹ cần lưu ý khi trẻ bị sốt cao không rõ nguyên nhân

Sốt mặc định là có hại

Có rất ít các bậc phụ huynh biết rằng sốt thực sự rất CÓ LỢI cho sức khỏe sau này của trẻ vì nó giúp ức chế sự trưởng thành và sinh sản của 1 số vi khuẩn, virus.

Tuy nhiên, trẻ bị sốt vẫn cần được ba mẹ quan tâm và chăm sóc đặc biệt vì làm trẻ khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, ăn uống và thậm chí liên quan đến việc gia tăng tốc độ chuyển hóa, tiêu thụ oxy, sản xuất ra CO2 và nhu cầu của hệ tim mạch – hô hấp.

Xem Thêm:   Các cách dạy con tuổi 15 đơn giản mà hiệu quả cho ba mẹ

Không đo nhiệt độ hoặc chỉ “đo” nhiệt độ bằng tay

Thực tế, có rất nhiều ba mẹ đến gặp bác sĩ thường chỉ nói bé bị sốt, song khi được bác sĩ hỏi nhiệt độ chính xác thì rất ít phụ huynh cặp nhiệt độ mà chỉ nói “người nóng hơn bình thường” hoặc “tay chân lạnh mà đầu thì nóng”,… nhưng không biết được nhiệt độ chính xác của con.

khi bé bị sốt nên làm gì
Ba mẹ nên đo nhiệt độ bằng nhiệt kế để biết được nhiệt độ chính xác khi trẻ bị sốt

Lời khuyên dành cho ba mẹ chính là nhiệt độ sốt của bé vô cùng quan trọng, điều này giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh một cách nhanh chóng cũng như hạn chế được những xét nghiệm không cần thiết, nhất là đối với những em bé dưới 3 tháng tuổi.

Tự ý sử dụng thuốc hạ sốt không có liều lượng hoặc không theo chỉ định của bác sĩ

Bệnh sốt cao ở trẻ nhỏ thường làm ba mẹ rất lo lắng, đặc biệt là những ai lần đầu làm ba làm mẹ. Bên cạnh đó, vì tâm lý sợ con sốt cao dẫn đến co giật nên ba mẹ thường chọn cách “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tức là tự ý cho trẻ uống thuốc hạ sốt mà không có chỉ định của bác sĩ, dễ gây ra các biến chứng nếu uống quá liều lượng, rất nguy hiểm!

Trong trường hợp này, ba mẹ lưu ý là chỉ dùng hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C. Theo đó, liều lượng thuốc tính theo cân nặng (không tính theo tuổi), mỗi liều uống cách nhau ít nhất từ 4-6h và ngưng dùng khi trẻ đã hết sốt. Một lưu ý nhỏ là ba mẹ nhớ cho bé bú hoặc ăn no trước khi uống thuốc. Thế nhưng bé bị sốt ăn cháo gì? Đối với những em bé đã ăn cháo được thì ba mẹ cũng không cần lăn tăn trẻ bị sốt ăn cháo gì mà chỉ cần cho bé ăn món cháo bé yêu thích hoặc dễ tiêu là được.

Đồng thời, ba mẹ cũng nên tìm hiểu kỹ các loại thuốc trên thị trường và tham khảo ý kiến bác sĩ loại thuốc hạ sốt phù hợp với trẻ, không nên vì quá nôn nóng mà phối hợp nhiều loại thuốc cho trẻ uống một lúc.

Sơ cứu không đúng cách khi trẻ co giật do sốt

Bé sốt như thế nào là nguy hiểm? Đó là khi trẻ sốt quá cao và đã bị co giật, rất nhiều phụ huynh sợ trẻ cắn lưỡi nên đưa vật cứng như thìa, muỗng, thậm chí có người còn nặn chanh vào miệng trẻ. Cách xử lý này này hoàn toàn sai và dễ dẫn đến nguy cơ trẻ nuốt phải dị vật gây sặc hoặc tắc đường thở.

Lúc này, điều cần thiết nhất là ba mẹ phải bình tĩnh, một người giữ bé nằm nghiêng, có thể thò ngón tay giữ cho bé không cắn lưỡi, một người lấy thuốc hạ sốt loại nhét hậu môn (đạn dược), nhớ bỏ ngăn đông tủ lạnh 1-2 phút rồi mới nhét vào hậu môn trẻ. Liều lượng theo cân nặng được khuyến cáo là 10 – 15 mg x cân nặng. Sau đó gọi cấp cứu để đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Chậm trễ trong việc đưa đi bệnh viện

Một sai lầm nữa mà ba mẹ cần chú ý đó là để con sốt quá lâu mới đi bệnh viện. Nhiều trẻ chẳng may đến khám chậm trễ khiến nguy cơ biến chứng tăng cao như viêm màng não, nhiễm trùng huyết,…

Vậy trẻ sốt như thế nào thì cho đi viện?

  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi và nhiệt độ ở hậu môn cao hơn 38 độ C trở lên. Dù em bé có khỏe mạnh và bú tốt vẫn cần được các bác sĩ thăm khám. Vì bé quá nhỏ nên ba mẹ không được tự ý dùng thuốc hạ sốt trừ khi được bác sĩ cho phép.
  • Trẻ từ 3 tháng – 3 tuổi có nhiệt độ đo được ở hậu môn từ 38 độ trở lên kéo dài liên tục quá 3 ngày.
  • Trẻ 3 tháng – 3 tuổi sốt từ 39 độ trở lên.
  • Trẻ ở lứa tuổi bất kỳ bị sốt cao từ 40 độ trở lên.
  • Trẻ bất kì tuổi nào bị sốt kèm co giật.
  • Trẻ bất kì tuổi nào bị sốt nhiều hơn 7 ngày, thậm chí mỗi ngày chỉ có 1 cơn sốt
  • Trẻ bất kì tuổi nào vừa sốt mà trong người đã có các bệnh mãn tính như: tim, lupus ban đỏ, ung thư, hồng cầu hình liềm kèm phát ban ngoài da.

Trên đây là những kiến thức cơ bản cũng như cách chăm sóc đúng cách khi trẻ bị sốt để ba mẹ tham khảo. Ngay khi gặp những biểu hiện như đã nêu ở trên, ba mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *