Cũng như những kỹ năng và sự kiện quan trọng khác, độ tuổi mà trẻ em học ngôn ngữ và bắt đầu nói chuyện có thể khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn nghi ngờ trẻ chậm nói so với các bé cùng độ tuổi thì đây là bài viết mà bạn cần xem qua. Bạn sẽ tìm được câu trả lời cho câu hỏi nguyên nhân trẻ chậm nói và cách dạy trẻ chậm nói như thế nào.
Mục Lục Bài Viết
Hiểu về lời nói và ngôn ngữ khi dạy trẻ chậm nói
Lời nói: là sự diễn đạt bằng lời nói của ngôn ngữ, bao gồm cả cách phát âm (cách chúng ta tạo âm thanh và lời nói).
Ngôn ngữ: là đưa và nhận thông tin. Đó là việc hiểu và được hiểu thông qua giao tiếp – bằng lời, không lời và bằng văn bản.
Các vấn đề về lời nói và ngôn ngữ thì khác nhau, nhưng đôi lúc chồng chéo nhau, ví dụ như:
- Một đứa trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có thể nói tốt các từ nhưng chỉ ghép hai từ lại với nhau.
- Một đứa bé chậm nói có thể sử dụng các từ và cụm từ để diễn đạt các ý tưởng nhưng khó hiểu.
Dấu hiệu trẻ chậm nói hoặc chậm phát triển ngôn ngữ
Khoảng 15 – 25% trẻ nhỏ có một số rối loạn giao tiếp. Bé trai có xu hướng phát triển các kỹ năng ngôn ngữ trễ hơn bé gái một chút, nhưng nói chung, trẻ em có thể bị gắn nhãn “trẻ chậm nói” nếu trẻ nói ít hơn 10 từ trong độ tuổi 18 – 20 tháng, hoặc ít hơn 50 từ ở độ tuổi 21 – 30 tháng.
Một em bé không phản ứng với âm thanh hoặc không phát âm nên được bác sĩ kiểm tra ngay. Nhưng thông thường, khi dạy bé chậm nói, thật khó để cha mẹ biết con mình chỉ là đang mất nhiều thời gian hơn cho việc học nói, hay có vấn đề gì ở đây không.
Đây là một số điều cần để ý khi tập nói cho bé chậm nói. Hãy đưa trẻ đi thăm khám nếu con bạn:
- 12 tháng tuổi: không dùng các động tác, như là chỉ tay hoặc vẫy tay tạm biệt.
- 12 – 15 tháng tuổi: không nói được những từ đơn giản (như: mama, baba…)
- 18 tháng tuổi: thích dùng các cử chỉ hơn là lời nói để giao tiếp; hoặc gặp khó khăn trong việc bắt chước các âm thanh; gặp khó khăn trong việc hiểu các yêu cầu đơn giản bằng lời nói; hoặc không hiểu các từ đơn giản (như: không, dừng lại).
- 2 tuổi: chỉ có thể bắt chước giọng nói hoặc hành động mà không nói các từ hoặc cụm từ một cách tự nhiên; hoặc chỉ nói lặp đi lặp lại một vài âm thanh hoặc từ và không thể dùng ngôn ngữ bằng lời nói để giao tiếp; hoặc không thể làm theo những hướng dẫn đơn giản; hoặc có một tông giọng bất thường (như là giọng khàn hay giọng mũi).
Đồng thời, hãy tìm đến bác sĩ nếu lời nói của con bạn khó hiểu hơn so với mong đợi ở độ tuổi của bé:
- Cha mẹ và người chăm sóc nên hiểu khoảng 50% lời nói của bé khi bé 2 tuổi và 75% khi bé 3 tuổi.
- Ở độ tuổi lên 4, những câu nói của bé hầu như mọi người đều có thể hiểu được, ngay cả với những người không biết về bé.
Nguyên nhân chậm nói hoặc chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ
Hiểu về nguyên nhân sẽ giúp bạn tìm đúng phương pháp dạy trẻ chậm nói và dạy trẻ chậm phát triển ngôn ngữ một cách phù hợp.
Chậm nói có thể do:
- Suy giảm chức năng miệng, như các vấn đề về lưỡi hoặc vòm miệng.
- Phanh lưỡi (nếp gấp bên dưới lưỡi) ngắn, có thể hạn chế chuyển động của lưỡi.
Nhiều trẻ chậm nói do các vấn đề về cơ vận động miệng. Điều này xảy ra khi khu vực não chịu trách nhiệm cho lời nói gặp vấn đề. Chúng gây khó khăn cho việc phối hợp môi, lưỡi và hàm để tạo ra âm thanh lời nói.
Các vấn đề thính giác cũng có thể ảnh hưởng đến lời nói. Trẻ em khó nghe có thể khó nói, hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ.
Nhiễm trùng tai, đặc biệt là nhiễm trùng mãn tính, có thể ảnh hưởng đến thính giác. Nhưng miễn là nghe bình thường ở một bên tai thì lời nói và ngôn ngữ sẽ phát triển bình thường.
Một số nguyên nhân khác như:
- Thiếu tương tác xã hội (thời gian tập nói của bé với người lớn không nhiều)
- Tự kỷ
- Bại não
- Là trẻ song sinh
- Là trẻ trong gia đình sử dụng song ngữ…
Như vậy, để biết chính xác lý do khiến trẻ chậm nói, cha mẹ cần đưa con đi khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường. Bác sĩ hoặc các nhà trị liệu ngôn ngữ – lời nói sẽ kiểm tra và đưa ra các lời khuyên phù hợp để cha mẹ có được cách dạy cho bé chậm nói hiệu quả hơn, ví dụ như cách dạy trẻ tự kỷ chậm nói hoặc cách dạy trẻ chậm nói giảm chú ý.
Hướng dẫn phương pháp dạy trẻ chậm nói tại nhà
Cha mẹ là một phần quan trọng trong việc dạy nói cho trẻ chậm nói và giúp đỡ những đứa trẻ gặp vấn đề về lời nói hoặc ngôn ngữ. Dưới đây là một số cách mà cha mẹ có thể áp dụng khi dạy trẻ chậm nói tại nhà:
- Tập trung vào giao tiếp là cách dạy trẻ em chậm nói hiệu quả nhất. Nói chuyện với con bạn, hát và khuyến khích bé bắt chước âm thanh và cử chỉ.
- Đọc sách cho bé. Bắt đầu đọc sách từ khi bé mới sinh. Hãy tìm những quyển sách bìa mềm hoặc bìa cứng phù hợp với độ tuổi, hoặc sách tranh ảnh để khuyến khích bé nhìn trong khi bạn gọi tên các bức tranh.
- Sử dụng các tình huống hàng ngày. Để xây dựng khả năng nói và ngôn ngữ của bé, hãy nói chuyện theo cách của bạn suốt cả ngày với bé, kể cả trong giờ tắm, trong khi thay tã, trong bữa ăn.
- Khi bạn nói chuyện với trẻ, hãy nói ở một trình độ cao hơn trình độ của bé. Ví dụ, khi dạy trẻ 2 tuổi chậm nói, nếu bé nói 3 từ, cha mẹ không nên chỉ dùng những câu có 3 từ, nhưng cũng đừng dùng những câu quá phức tạp.
- Hãy nói nhiều nhất có thể, khuyến khích bé nói, và khi bé cố gắng nói chuyện, hãy khen ngợi những nỗ lực này của con.
Nhìn chung, các vấn đề bất thường của trẻ nên được phát hiện và can thiệp càng sớm càng tốt. Vì vậy, việc chẩn đoán từ một bác sĩ hoặc một chuyên gia ngôn ngữ là rất quan trọng để xác định đúng nguyên nhân khiến trẻ chậm nói, cũng như đưa ra lời khuyên hữu ích để cha mẹ dạy trẻ chậm nói một cách hiệu quả.