Công ước Quốc tế về quyền của trẻ em khuyết tật cũng như Pháp luật Việt Nam về người khuyết tật, bên cạnh những điều khoản quy định chung cho tất cả các đối tượng người khuyết tật, còn có những điều, khoản quy định riêng đối với trẻ em khuyết tật.
Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Trẻ em là đối tượng quan trọng, là nền móng cho sự phát triển của đất nước và cần được quan tâm, chăm sóc, giáo dục của toàn thể xã hội. Tuy nhiên trẻ em dễ bị dụ dỗ, xâm phạm bởi lẽ xuất phát từ độ tuổi và khả năng nhận thức còn yếu kém. Chính vì vậy, pháp luật quy định cụ thể những quyền lợi chính đáng và lợi ích hợp pháp mà trẻ em được hưởng.
Mục Lục Bài Viết
Khái Quát Về Quyền Của Trẻ Em Khuyết Tật
Quyền là những điều mà pháp luật công nhận và đảm bảo thực hiện đối với cá nhân, tổ chức để theo đó cá nhân được hưởng, được làm, được đòi hỏi mà không ai được ngăn cản, hạn chế.
Quyền trẻ em là những quyền con người được áp dụng dành riêng cho trẻ em, ở mỗi độ tuổi khác nhau thì trẻ em được hưởng các quyền khác nhau. Theo đó, trẻ em được công nhận và đảm bảo thực hiện các quyền mà mình được hưởng theo quy định của pháp luật.
Những Quy Định Quyền Của Trẻ Em Khuyết Tật
Theo Điều 35 Luật trẻ em 2016 quy định quyền của trẻ em khuyết tật như sau:
Điều 35. Quyền của trẻ em khuyết tật
Trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự lực và hòa nhập xã hội.
Trẻ em khuyết tật là những trẻ em bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc suy giảm các chức năng, hạn chế khả năng hoạt động, khó khăn trong sinh hoạt học tập, vui chơi và lao động. Trẻ em khuyết tật được quy định theo ba nhóm:
+ Trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng: Khuyết tật đặc biệt nặng là việc mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiên được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
+ Trẻ em khuyết tật nặng: Khuyết tật nặng là việc mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiên được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.
+ Trẻ em khuyết tật nhẹ: Trường hợp không thuộc khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng sẽ thuộc nhóm còn lại là khuyết tật nhẹ.
Theo đó, trẻ em khuyết tật ngoài được hưởng các các quyền của trẻ em theo quy định còn được hưởng các quyền của người khuyết tật. Các quyển của người khuyết tật được quy định tại Điều 4 Luật người khuyết tật 2010 bao gồm: tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật; các quyền khác theo quy định của pháp luật.